Bài 17: Cần quản lý chặt chợ dân sinh

17:03 | 10/04/2017
TTTĐ.VN - Trong suốt một thời gian dài, các cơ quan chức năng chưa chú trọng quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như môi trường tại chợ dân sinh. Việc quản lý không chặt chẽ, chợ dân sinh sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch bệch cũng ngộ độc thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Bài 17: Cần quản lý chặt chợ dân sinh

>> Tạo đột phá, xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ:
* Bài 10: Siết chặt kỷ cương trong công tác quản lý đô thị
* Bài 11: Giải pháp bền vững trong lập lại trật tự vỉa hè
* Bài 12: Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật
* Bài 13: Giải quyết công việc theo hướng hiệu quả, tránh bệnh hình thức
* Bài 14: Chiếm vỉa hè, lòng đường bất chấp chỉ đạo của thành phố
* Bài 15: Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
* Bài 16: Sống chung cùng ô nhiễm

Bài 17: Cần quản lý chặt chợ dân sinh
Khu bày bán và giết mổ các loại cá tại chợ dân sinh bốc mùi hôi, tanh nồng nặc...

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có khoảng 454 chợ, trong đó chỉ có 102 chợ kiên cố; 242 chợ bán kiên cố và 128 chợ lánh tạm, với tổng diện tích 170ha, với 90 nghìn hộ kinh doanh. Đây cũng là nơi yêu thích của nhiều người dân vì nhu cầu tiện lợi khi mua bán hàng hóa.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội, có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng mất vệ sinh trong chế biến cũng như bảo quản các loại mặt hàng như thịt, cá, hải sản... Không những thế, tình trạng rác thải chất đống tại các chợ, nước chảy lênh láng ra xung quanh không phải là hiếm gặp. Thực trạng này khiến môi trường bị ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm đối với người dân.

Điển hình như chợ Phùng Khoang (Trung Văn, Nam Từ Liêm) nếu như khu vực chia ki ốt sạch sẽ, ngăn nắp bao nhiêu, thì vào sâu khu vực mua buôn, hàng hóa bày bán tràn lan. Khu vực hải sản, tiểu thương giết mổ khiến cho vẩy cá, lòng, máu me khắp góc chợ, mai cua chất thành đống bốc mùi hôi thối vì đang phân hủy..

Chị Hòa (Tiểu thương bán cá chợ Phùng Khoang) cho rằng: “Người mua có nhu cầu làm thịt thì chúng tôi phải mổ, đáp ứng nhu cầu của khách. Giờ chất đống ở đây, tan tầm sẽ có nhân viên vệ sinh quét dọn, hốt đi. Còn nước chảy ra cũng như nước ao nước hồ, nước máy có gì đâu mà bẩn”.

Còn tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) khu vực buôn bán hải sản, gia cầm nồng nặc mùi hôi, tanh. Người chế biến cũng không cần đeo gang tay bảo hộ. Còn tại khu vực bán hoa quả, những đống hoa quả hỏng, thối, dập được tiểu thương vất bừa bãi, khu vực rau xanh là cảnh rau già, rau thối… tập trung thành từng đống. Người dân rất khó để biết được nguồn gốc xuất xứ các loại thịt, cá, rau củ mình đang mua.

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh khác cũng cho thấy hoạt động mua bán diễn ra khá tấp nập. Những khu hải sản chế biến, xay cua ngay bờ nắp cống. Rau vất ngay dưới sàn bẩn nhưng vẫn được tiêu thụ. Chưa kể, các khu bàn bán thức ăn chín xen kẽ khu vực thức ăn sống, nhiều lúc còn xuất hiện cả quán bún phở giữa chợ hôi tanh.

Ông Nguyễn Văn Dục, Tổ trưởng Đội quản lý chợ Dịch Vọng, cho biết: “Việc của tiểu thương là phải thu gom rác thải, tiếp đến là do công ty môi trường dọn, quét và xả nước. Cá thịt thì họ dồn chung vào túi sẽ có nhân viên môi trường đi thu, cá tanh thì có nước xả ngay. Chúng tôi vẫn kiểm tra, theo dõi, hộ kinh doanh làm không đúng, không dọn dẹp, chúng tôi sẽ nhắc nhở, không được sẽ đình chỉ luôn. Ngày nào cũng vậy, cứ 10h30 lại có công ty môi trường thu dọn để chiều có chỗ cho chợ sinh viên bán. Đây là hai chợ gộp một chứ không chỉ bán riêng thức ăn nên không thể để bẩn được. Còn chợ thì bao giờ cũng vẫn có mùi, cái này không thể tránh được rồi”.

Dù ban quản lý chợ khẳng định chợ sạch sẽ nhưng nhiều tiểu thương dọn dẹp bằng việc không phân loại rác và đổ trực tiếp vào ống cống nước thải. Trong khi đó, đường nước thải không tiêu khiến cho rác đặc biệt là thức ăn bị phân hủy rất ô nhiễm.

Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí liên tục thông tin về việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại khắp nơi, người dân cũng đã có nhận thức rõ ràng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, vì lý do tiện lợi và mặt hàng phong phú, chợ dân sinh vẫn là nơi thu hút rất đông đảo người dân tới mua bán. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc kinh doanh tại các chợ này để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh.


Thanh Hà

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/