Sở Thông tin và Truyền thông: đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

10:09 | 30/04/2017
TTTĐ.VN - Thực hiện năm kỷ cương hành chính 2017, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đang có nhiều giải pháp thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử…

Sở Thông tin và Truyền thông: đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử


Sở Thông tin và Truyền thông: đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng CCHC

Qua đánh giá hơn 3 tháng đầu năm 2017 thực hiện tăng cường kỷ cương hành chính, hoạt động của Sở TT&TT có nhiều chuyển biến tích cực, lề lối, phong cách làm việc có sự đổi mới rõ rệt. Sở đã tiếp nhận và giải quyết trên 1.100 hồ sơ (trong đó trên 1 nghìn hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99%.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), bộ phận Một cửa của Sở TT&TT hiện nay được bố trí tại vị trí thuận tiện giao dịch cho công dân, tổ chức, được trang bị đầy đủ các thiết bị theo tiêu chuẩn của Một cửa hiện đại.

Để khuyến khích và thu hút công dân, tổ chức khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Sở TT&TT đã có nhiều giải pháp, sáng kiến, như: Xây dựng video clip hướng dẫn công dân, tổ chức khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến; bố trí công chức trực tiếp hướng dẫn tư vấn về dịch vụ công trực tuyến; đầu tư máy scan tốc độ cao để hỗ trợ công dân tổ chức nộp hồ sơ qua mạng khi đến nộp trực tiếp; đặc biệt là rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đối với hồ sơ gửi qua mạng... Bên cạnh đó, Sở thường xuyên duy trì đường dây nóng về giải quyết TTHC, cơ bản đáp ứng yêu cầu giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của tổ chức, công dân trong quá trình giải quyết TTHC tại Sở.

Từ năm 2006 đến nay, Sở đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Hiện nay, 100% các văn bản đi - đến đều được chuyển nhận, xử lý nội bộ trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản; 100% văn bản gửi UBND Thành phố và UBND 30 quận, huyện trên môi trường mạng Interrnet và hệ thống chữ ký số. Ngoài ra, Sở còn sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ, trao đổi công việc giữa CCVC và giữa các phòng, ban, đơn vị cơ bản đều thực hiện qua hệ thống thư điện tử, góp phần giảm thiểu việc hội họp, tiết kiệm kinh phí văn phòng phẩm, in ấn, phô tô tài liệu.

Thực hiện Quyết định của UBND Thành phố quy định “Quy tắc ứng xử của CBCCVC” trong các cơ quan nhà nước Thành phố, Sở đã tổ chức ký cam kết thực hiện, theo đó 100% CBCCVC, người lao động thuộc Sở đã thực hiện nghiêm túc. Qua 3 tháng triển khai, lề lối, phong cách làm việc có sự đổi mới rõ rệt; CBCCVC, người lao động luôn có ý thức tự giác, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ và giữ gìn kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ.

Xây dựng chính quyền điện tử

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT góp phần hiện đại hóa nền hành chính, Sở TT&TT đã tham mưu UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai ứng dụng CNTT đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử Thủ đô; nỗ lực cải thiện mức độ ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thành phố, cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong năm 2016, ứng dụng CNTT của thành phố Hà Nội có những bước bứt phá mạnh mẽ và đã được xếp hạng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đến nay, Hà Nội đã kết nối mạng WAN tới 100% xã, phường, thị trấn. Triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố Hà Nội (http://egov.hanoi.gov.vn/). Đây là địa chỉ tích hợp duy nhất trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của toàn Thành phố và sẽ là kênh tiếp nhận ý kiến góp ý, chuyên mục hỏi đáp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính.

Thành phố đã hoàn thành việc triển khai 129 dịch vụ công mức 3-4 trong 1 số lĩnh vực ở cả 3 cấp: xã, phường, quận, huyện, Sở, ngành và khai thác trên cơ sở dữ liệu dân cư. Đặc biệt dịch vụ công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp được thực hiện liên thông với việc đăng ký hộ khẩu thường trú và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và được triển khai đồng bộ tới 584/584 xã, phường, góp phần giảm thời gian giải quyết 3 TTHC nêu trên từ 20 ngày xuống còn 5 ngày và đạt tỷ lệ giao dịch qua mạng là trên 70%. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này có được kết quả nêu trên.

Trong quý I/2017, Sở đã trình TP Hà Nội phê duyệt Khung kiến trúc, chiến lược lộ trình Chính phủ điện tử, đồng thời phối hợp với các Sở và các doanh nghiệp (Viettel, VNPT, FPT...) tiếp tục tham mưu Thành phố triển khai các thành phần hệ thống Thành phố thông minh.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính gắn kết việc triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo sát sao việc đơn giản hóa TTHC, ưu tiên thực hiện đối với các thủ tục có nhiều giao dịch và liên quan đến những vấn đề bức xúc của nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan, phát huy hiệu quả các phần mềm đã được đầu tư, tích cực hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, công dân.

Vĩnh Yên

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/