Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo

14:49 | 15/09/2017
TTTĐ.VN – Đồng chí Hoàng Trung Hải lưu ý, trong giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC), các cấp, ngành, cơ quan chức năng phải nắm chắc vụ việc, địa bàn, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm…

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo

Ngày 15/9, Ban chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU về tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC trên địa bàn thành phố Hà Nội đã họp phiên thứ 4 thường kỳ. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo

Toàn cảnh phiên họp

Theo đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Chỉ thị 15 được thành lập từ tháng 12/2016. Với cơ chế hoạt động của Ban, công việc, nhiệm vụ các lực lượng chức năng thành phố đã được thực hiện tập trung, quyết liệt hơn, xử lý hiệu quả một số vụ việc phức tạp, ảnh hưởng lớn trên địa bàn; có sự kiểm tra, giám sát liên ngành để đánh giá kết quả, tồn tại và đưa ra kiến nghị đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; thường xuyên rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp để tập trung chỉ đạo giải quyết....

Trong 7 tháng đầu năm 2017, hệ thống cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp thường xuyên 26.706 lượt công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh, tiếp nhận và xử lý 24.766 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện. Nhìn chung, toàn Thành phố đã tiếp nhận, xử lý các vụ việc cơ bản đúng trình tự, thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật. Đến tháng 8/2017, Ban chỉ đạo đã đưa được 37 vụ việc ra khỏi danh sách tồn đọng kéo dài, phức tạp cần theo dõi, đồng thời có văn bản chỉ đạo yêu cầu giải quyết dứt điểm 45 vụ việc còn lại.

Tại Hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo thống nhất phướng hướng giải pháp thời gian tới: tập trung tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình, kết quả xử lý, giải quyết đối với các vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp trên địa bàn, nhất là ở các địa phương có vụ việc việc KNTC đông người; tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở theo dõi, nắm mắt tình hình tại cơ sở để kịp thời xử lý, giải quyết những phức tạp phát sinh; tăng cường cơ chế người đứng đầu chính quyền tiếp, đối thoại trực tiếp với công dân; xây dựng quy định, quy trình tiếp công dân, đảng viên, xử lý đơn thư KNTC của Thành ủy Hà Nội,...

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy ghi nhận những kết quả mà Ban Chỉ đạo Chỉ thị 15 của Thành ủy đã đạt được trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ những kết quả bước đầu cho thấy, việc ban hành Chỉ thị 15 là cần thiết, đúng hướng. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, tình hình KNTC trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp: vẫn còn tình trạng công dân tập trung KNTC đông người; tình trạng đơn gửi nhiều cấp, vượt cấp xuất hiện ở một số nơi, trong đó có nhiều đơn trùng, đơn khuyết danh, mạo danh... Đây là những thách thức rất lớn đối với Thành phố, đòi hỏi Thành ủy, UBND, Ban Chỉ đạo Chỉ thị 15, các cấp, các ngành phải tập trung giải quyết, khắc phục.

Đồng tình với phương hướng nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất xác định, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ đạo cần chỉ đạo rà soát, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, vượt cấp. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện và ban hành quy định, quy trình tiếp công dân, đảng viên, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; Hệ thống dữ liệu, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng…

Đồng chí Hoàng Trung Hải lưu ý, trong giải quyết KNTC, các cấp, ngành, cơ quan chức năng phải nắm chắc vụ việc, địa bàn, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đối với các vụ việc phức tạp, vụ việc khiếu kiện đông người đã, đang hoặc tiềm ẩn nguy cơ trở thành "điểm nóng", gây phức tạp về an ninh, trật tự và làm mất ổn định chính trị - xã hội, cần phân công cụ thể thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo đôn đốc quá trình giải quyết; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong việc giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài. Ban chỉ đạo cũng cần tiến hành phân loại, dự báo các khả năng, tình huống, các nhóm lĩnh vực có thể xảy ra KNTC cao để quan tâm, xử lý dứt điểm sớm.

Tú Linh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/