Quốc hội thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2018

13:58 | 23/05/2017
TTTĐ.VN - Sáng 23/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe trình và có phiên thảo luận tại tổ về 2 Tờ trình: Dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018; Dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Quốc hội thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2018


Quốc hội thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2018
Đại biểu Bùi Văn Xuyền phát biểu tại tổ

Chính phủ chưa quan tâm đến một số dự án Luật cần thiết

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Chính phủ chưa thực sự quan tâm đến một số dự án luật rất cần thiết, trong đó có Luật Về hội.

“Quốc hội đã thảo luận Luật Về hội tại kỳ họp trước, sau đó nói là cần hoàn thiện và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, đến kỳ họp này lại không nói năng gì nữa” - đại biểu Xuyền cho biết.


Ngoài ra dự án Luật Biểu tình cũng chưa được Chính phủ quan tâm. Ông Xuyền cho rằng, biểu tình là quyền của dân nhưng không có hành lang pháp lý điều chỉnh cho bài bản thì không ai biết thực hiện thế nào là đúng thế nào là sai.

Đại biểu Xuyền cho rằng, vấn đề đã được hiến định thì Chính phủ phải quan tâm, nếu khó quá thì đưa ra ở mức độ nào thôi, không cầu toàn, nhưng phải đưa ra chứ không thể Quốc hội đã giao rồi mà không nói năng gì nữa cả.

Về nội dung này, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu, Hiến pháp đã hiến định 70 năm rồi nhưng Luật Về hội vẫn chưa làm. Còn với Luật Biểu tình thì từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13, Thủ tướng đã công khai nói trước Quốc hội mà đến nay “nhập nhằng” mãi, không có luật điều chỉnh, làm cho dân không biết đúng hay sai.

“Nếu Quốc hội cứ để Chính phủ trình rồi bàn, đại biểu không trải nghiệm thì hạn chế trong xây dựng luật đương nhiên khó tránh”, ông Quốc nhận xét và cho rằng Quốc hội phải tiến đến chỗ chủ động hơn.

Thay đổi chương trình xây dựng Luật

Góp ý về Dự kiến chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2018, đa số các đại biểu tổ Hà Nội đều nhất trí cho rằng, chương trình xây dựng Luật pháp lệnh năm 2018 cần có nhiều thay đổi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Quốc hội cần thiết phải thay đổi quy trình về làm luật, phải lý giải được tại sao phải làm luật, các phạm vi, bất cập cần điều chỉnh. Khi có được các nội dung rồi việc biên soạn như thế nào, hành văn ra sao phải có chuyên gia thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, các báo cáo đánh giá về Luật chưa thực sự sâu sắc và toàn diện, các đại biểu Quốc hội trước đó không được thông qua đề cương và tư tưởng chủ đạo của Luật nên việc sửa Luật chỉ là sửa câu chữ, tính thực thi hạn chế... Đại biểu đề nghị phải thông qua đề cương và tư tưởng chủ đạo của Luật cho đại biểu để đại biểu nắm được và góp ý trước khi xây dựng Luật.



Quốc hội thảo luận tại tổ về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2018
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại tổ

Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, hiện nay các luật đi vào cuộc sống còn ít và có đời sống không dài. Do đó khuyến khích ĐB QH xây dựng Luật, tạo điều kiện tốt nhất chođại biểu làm việc và mời được các tổ chức cá nhân có chuyên môn sâu tham gia sâu sắc hơn quá trình làm luật.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội góp ý, hiện nay các luật điều chỉnh nhiều lần và kết quả không cao. Việc điều chỉnh không cung cấp tư liệu, khiến đại biểu gặp khó khăn và đề nghị khi điều chỉnh phải có thông tin cơ bản cho đại biểu.

"Ngoài ra Quốc hội phải gương mẫu, không để cả kỳ họp thông qua rồi sau đó lại thay đổi" - Đại biểu nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thì cho rằng trong xây dựng Luật, nguyên tắc điều chỉnh Luật nên bổ sung nội dung không chạy theo đề nghị của các bộ ngành và các bộ ngành cần xây dựng khung chính sách để QH thông qua rồi mới xây dựng các luật.

Ngoài ra theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Luật CNTT và giao dịch điện tử dù đã được đề nghị giám sát tại nhiều kỳ nhưng hiện tại chưa lần nào dược Quốc hội giám sát xem các Luật này gắn với CCHC đến đâu , có thực hiện được không. Đây là 2 luật hỗ trợ tối đa cho CCHC nhưng hiện nay đang vướng là việc không kết nối với các bộ ngành, nên vô cùng lãnh phí, làm khổ người dân và doanh nghiệp. Đại biểu kiến nghị Quốc hội đưa vào chương trình giám sát.

Giám sát ngay các vấn đề cử tri quan tâm

Về Chương trình giám sát của Quốc hội, các đại biểu tổ Hà Nội đều thống nhất đề xuất nên thực hiện giám sát chuyên đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và trật tự giao thông là những vấn đề đang được cử tri quan tâm. Ngoài ra tăng hoạt động giám sát, không nhất thiết là chỉ chọn 2 vấn đề.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến về việc lựa chọn các chuyên đề sau 18 tháng giám sát lại, theo đại biểu đây là thời gian chưa đủ dài, các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai kết luận giám sát thì đã giám sát lần 2 là chưa hợp lý lắm.

Về các chuyên đề giám sát năm 2018, việc giám sát thực hiện chính sách pháp luật thực hiện trái phiếu CP, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nếu giám sát năm 2018 chưa hợp lý, bởi giai đoạn hiện nay CP vừa có kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó có 1 phần vốn trái piếu, ODA. Như vậy chưa thực hiện xong phân bổ mà lại giám sát thì không hợp lý.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, có những bức xúc phải tái giám sát ngay, ví dụ giám giát PCCC, ATTP… cho nên nếu đóng đinh 18 tháng là quá cứng và không nhất thiết phải chờ 18 tháng mới tái giám sát.

Hạnh Nguyên

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/