Tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

21:10 | 25/05/2017
TTTĐ.VN – Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 25/5, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2017; Quyết toán NSNN năm 2015.

Tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế

Tập trung vào kinh tế tư nhân để tăng trưởng kinh tế

Đa số ĐB Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, một số ngành, lĩnh vực tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, không ít đại biểu bày tỏ băn khoăn với 2 chỉ tiêu không đạt, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,21%



Tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế
Đại biểu Phạm Quang Thanh nêu ý kiến tại tổ


Tại tổ Hà Nội, đại biểu Phạm Quang Thanh băn khoăn liệu tín dụng có phải đã chảy về bất động sản khiến GDP tăng chậm?

Theo ĐB Thanh, để tăng trưởng GDP đạt kế hoạch sẽ rất khó khăn vì tình trạng vốn giải ngân thấp. Việc quản trị rủi ro, tính chất lượng của nguồn thu không cao, chỉ từ đất, khai khoáng, DN kiểu tận thu không có tính bền vững. CP cần có giải trình kỹ hơn để đại biểu QH có thể thấy bức tranh tổng thể, để từ đó tìm cách giám sát hỗ trợ.

Về giải pháp, ĐB đề nghị tập trung vào khu vưc tư nhân để tăng trưởng kinh tế; cắt giảm chi vào các khoản kỷ niệm ngày lễ để tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Bàn về giải pháp, ĐB Nguyễn Quốc Bình cho rằng, ngoài những giải pháp truyền thống Chính phủ đưa ra, cần phải có những giải pháp sâu hơn để đạt được mục tiêu GDP và làm đà cho những năm sau, trong đó cần tập trung tín dụng vào sản xuất; Đồng thời cần có cơ quan điều hành và xem xét lại các chính sách, nghiên cứu hiệu lực thực thi của các chính sách; thành lập các tổ công tác vào từng lĩnh vực để chỉ đạo sát sao hơn.

ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, mục tiêu phấn đấu GDP năm 2017 đạt 6,7% chỉ có thể đạt được nếu dựa vào tăng vốn đầu tư và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản. Song, đây là hai giải pháp thiếu tính khả thi, vì vốn đầu tư không thể tăng, do đó chỉ còn “con đường” đẩy mạnh khai thác, tăng sản lượng dầu khí. Tăng sản lượng khai thác dầu khí là giải pháp tốt, nhưng phải ở quy mô công suất phù hợp, tránh tăng chi phí khai thác để bảo đảm hiệu quả đạt được.

Nhấn mạnh các giải pháp khác Chính phủ đưa ra về xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng dòng vốn đầu tư cho xã hội; tiếp tục cấu trúc lại DNNN, xử lý 12 dự án bị thua lỗ, hay hình thành các quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp… là phù hợp, song về dài hạn, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị, Chính phủ cần nghiêm túc nhìn lại vấn đề trần nợ công và chính sách huy động đầu tư công. Trong ngắn hạn, không nên chạy theo mô hình tăng trưởng nhanh, mà cần duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại để tạo sự ổn định, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, tìm ra cơ chế quản lý phù hợp, từ đó tăng huy động đầu tư, thậm chí phải đẩy mạnh đầu tư công.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội cho những tháng còn lại của năm 2017 và cho những năm tiếp theo, theo ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), điều quan trọng nhất là khâu tổ chức quản lý, điều hành. Bởi, trong quý I/2017, tăng trưởng mới đạt 5,1%. Để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6,7%, thì 3 quý còn lại đều phải đạt trên 7%. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải kiên quyết điều hành, tăng cường kiểm tra, đánh giá, đặc biệt phải rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.




Tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu ý kiến tại tổ

Nguồn thu chưa thật sự ổn định

Thảo luận về quyết toán NSNN năm 2015, các đại biểu đánh giá, Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành chi NSNN theo dự toán được giao; tiết kiệm chi thường xuyên, quản lý chi đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; nâng cao kỷ luật tài chính, thu NSNN vượt dự toán giao. Cùng với đó, chi NSNN ngày càng chặt chẽ…

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cũng chỉ rõ, thất thu NSNN vẫn xảy ra; việc quản lý hóa đơn gần như bị buông lỏng, rất nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống không sử dụng “hóa đơn đỏ”… Để chống thất thu NSNN cần có giải pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm các cơ sở dịch vụ có doanh thu phải kê khai đủ, người dân khi giao dịch phải lấy hóa đơn. Nếu thực hiện được điều này, chắc chắn nguồn thu của ta sẽ tăng cao hơn.

Ghi nhận các giải pháp của Chính phủ, song ĐB Thạch Phước Bình cho rằng, công tác thu chi NSNN năm 2015 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là một số khoản thu NSNN không đạt dự toán giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, công tác thu thuế còn hạn chế. Đặc biệt, chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế được thất thu thuế, nợ đọng thuế còn lớn. Ngoài ra, chi NSNN, trong đó chi thường xuyên còn hạn chế, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích. Một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán, còn xảy ra thất thoát trong chi đầu tư xây dựng cơ bản…

ĐB Trần Thị Phương Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, khoản thu có vẻ phấn khởi nhưng thực chất không bền vững. Ngoài ta tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế còn lớn những báo cáo lại chưa nêu ra giải pháp. Sai phạm thất thoát lãng phí đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra, chi đầu tư xây dựng cơ bản yếu kém gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

ĐB đề nghị giám sát chặt việc thực hiện nghị quyết 21 QH về việc xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân trong việc thất thoát NSNN; các bộ cơ quan trung ương địa phương khi xây dựng kế hoạch vốn phải sát thực tế; Bộ Tài chính sớm lập bảng tin nợ công, báo cáo thông tin về nợ công để Quốc hội có thể giám sát.

Nhiều nội dung cần nhấn mạnh hơn trong báo cáo

Theo ĐB Trần Thị Phương Hoa, báo cáo những tháng đầu năm 2017 cần đánh giá sâu hơn lĩnh vực VHXH, cụ thể về các vấn đề: giảm nghèo bền vững; an toàn thực phẩm; công tác cai nghiện ma túy; y tế. Đặc biệt vấn đề tiêu cực học đường, xâm hại trẻ em đang là vấn đề hết sức nhức nhối nhưng lại chưa thấy được đưa vào báo cáo. Đề nghị chính phủ quan tâm bổ sung.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, việc ứng dụng CNTT trong CCHC, đáng nhẽ phải quyết liệt hơn, phải thành điểm nhấn trong báo cáo thì lại chỉ nhắc qua là chưa thỏa đáng. Cũng theo ĐB Khánh, hiện nay việc ứng dụng CNTT trong CCHC vẫn còn nhiều bất cập, đơn cử như việc nắm dữ liệu dân cư chỉ bên công an nắm giữ trong khi rất nhiều ngành khác cũng cần thông tin để giải quyết nhanh các TTHC thì không được chia sẻ. Đây là một trong những điểm yếu kém trong ứng dụng CNTT. Chính vì vậy cần phải sớm được khắc phục.

Các đại biểu cũng đề nghị phải nhấn mạnh đến công tác cán bộ và bộ máy hành chính. ĐB Nguyễn Văn Được (đoàn Hà nội ) cho rằng, chính bộ máy cồng kềnh, hiệu quả hoạt động thấp. ĐB Cường lấy ví dụ như trường hợp Mỹ Đức, cán bộ sợ khuyết điểm ko dám báo cáo tình hình, nên khi xảy ra như “gà rối tóc”. Nhiều vấn đề xảy ra thì thi nhau đề nghị lên trên, nhưng bên dưới lại không chịu làm.

“Do vậy, cần quan tâm tới bộ máy và công tác cán bộ. Đồng thời nghiên cứu cách thưc tiếp xúc công dân có hiệu quả, tổ chức đoàn gồm lãnh đạo, cơ quan chức năng đến tận nơi gỡ cho dân để đỡ điểm nóng, đỡ kiện cáo vượt cấp”- Đại biểu nêu.

Hạnh Nguyên

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/