Tăng cường công tác quản lý nợ công

11:56 | 25/05/2017
TTTĐ.VN- Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trước Quốc hội vào sáng nay 25/5.

Tăng cường công tác quản lý nợ công

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định nhằm phân định rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý, đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức thẩm định…

Tăng cường công tác quản lý nợ công


Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công, Khoản 4 Điều 15 Dự thảo luật quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định phương án bổ sung dự toán NSNN trong trường hợp Quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và vay về cho vay lại.

Liên quan đến nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) đề nghị Chính phủ rà soát, cân nhắc kỹ đối với quy định này vì Quỹ tích lũy trả nợ được thành lập, xác định cụ thể nguồn thu theo quy định tại Điều 59 Dự thảo luật và việc thành lập Quỹ là nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại, dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ. Do đó, Chính phủ có trách nhiệm quản lý, điều hành chi chặt chẽ theo đúng quy định và trong phạm vi nguồn thu của Quỹ, bảo đảm an toàn Quỹ, không bổ sung nguồn từ NSNN cho Quỹ để xử lý rủi ro đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và vay về cho vay lại.

Về nguyên tắc quản lý nợ công, Dự Luật cũng bổ sung nguyên tắc “kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô”. Bổ sung yêu cầu gắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động vay, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Đồng thời, bổ sung thêm nguyên tắc: “Không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước”…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật. Theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do NHNN Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay, tự trả của DNNN, của đơn vị sự nghiệp công lập. Việc DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của DN, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình DN khác. Trường hợp đơn vị sự nghiệp vay nợ không trả được nợ thì cơ chế xử lý cũng được áp dụng như đối với các DN. Nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/