Hải quân nhân dân Việt Nam vững vàng trên biển

00:00 | 10/10/2017
TTTĐ.VN - Trải qua 62 năm xây dựng, chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, được sự yêu thương, giúp đỡ của nhân dân cả nước, sự phối hợp, hiệp đồng của lực lượng bạn, Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) đã không ngừng phát triển, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam phát triển thành quốc gia mạnh, giàu từ biển.

Hải quân nhân dân Việt Nam vững vàng trên biển

Những ngày đầu thành lập

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình được lập lại trên toàn cõi Đông Dương nhưng đất nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền: Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đi lên CNXH; miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc. Để bảo vệ chủ quyền, quản lý chặt chẽ một dải bờ biển miền Bắc dài trên 800 km từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể (tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam).

Ngày 24/1/1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân thay Cục Phòng thủ bờ bể. Cục Hải quân vừa thành lập, vừa phối hợp với các quân chủng, binh chủng bạn và nhân dân ven biển bảo vệ trật tự an ninh trên biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; bảo vệ quyền lợi quốc gia và nhân dân làm ăn trên biển, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu hoạt động gián điệp và xâm lược của địch, từng bước hình thành một Quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, dần đảm đương vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ vùng biển miền Bắc XHCN. Đến ngày 3/1/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân.

Rạng sáng 1/8/1964, tàu khu trục Ma Đốc của Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam và gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Với ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm trừng trị kẻ xâm phạm, ngày 2/8/1964, biên đội tàu phóng lôi: 333, 336, 339 xuất kích. Bất chấp tàu to, hỏa lực mạnh của đối phương, cán bộ, chiến sỹ 3 tàu của HQNDVN đã anh dũng kiên cường đánh trả buộc tàu Ma Đốc phải tháo chạy ra khỏi hải phận vùng biển miền Bắc. Lợi dụng sự kiện này, đêm 4/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên vụ "Vịnh Bắc bộ" vu cáo cho Hải quân Việt Nam cố ý tấn công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế. Ngày 5/8/1964, Mỹ dùng lực lượng không quân tập kích ác liệt vào lực lượng Hải quân Việt Nam từ Sông Gianh, Cửa Hội, Lạch Trường đến Bãi Cháy, nhằm tiêu hao lượng tàu chiến đấu, quân cảng, kho tàng, nhiên liệu của Hải quân Việt Nam.

Hải quân nhân dân Việt Nam vững vàng trên biển

Chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ trên đảo An Bang Ảnh: VƯƠNG ĐỨC



Trong trận đầu thử lửa, HQNDVN đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không quốc gia, công an vũ trang, dân quân tự vệ các địa phương đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống trung úy giặc lái An-vơ-rét (là phi công đầu tiên bị bắt ở miền Bắc).

Hai chiến thắng đó có ý nghĩa rất lớn về chính trị, tạo tiếng vang lớn trên thế giới của quân và dân Việt Nam. Ngày 2 và 5/8/1964 trở thành mốc son trong truyền thống đánh thắng trận đầu của HQNDVN và của quân, dân miền Bắc.

Xây dựng quốc gia giàu mạnh về biển

Trao đổi với báo chí nhân kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Sơn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết: “Ngay từ lúc còn non trẻ Hải quân Việt Nam đã cùng với nhân dân chiến thắng trận đầu… đánh bại cuộc phong tỏa bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ”.

Tiếp nối chiến công vang dội đó, HQNDVN đã lập nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, vận chuyển vũ khí và con người chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là một chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, như một huyền thoại trên biển đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó là cách đánh đặc biệt tinh nhuệ trên chiến trường sông biển của đặc công Việt Nam đã làm cho quân Mỹ, ngụy và chư hầu bạt vía. Đây là nghệ thuật phát huy kết quả, truyền thống của cha ông. Đó thực sự là những Yết Kiêu trên biển.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, HQNDVN đã giải phóng quần đảo Trường Sa vào 29/4/1975. Chiến công này góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH trong giai đoạn mới. Sau giải phóng miền Nam, HQNDVN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, giúp nhân dân nước bạn Campuchia thoát khỏi cảnh diệt chủng.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, HQNDVN đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại”, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trên biển; góp phần tăng cường quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, HQNDVN đã lập nhiều chiến công oanh liệt, được coi như những kỳ công của quân đội ta, của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, HQNDVN đã hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng hai Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh… Hàng trăm đơn vị, cá nhân trong Quân chủng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó là những ghi nhận đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân đã bằng máu xương, trí tuệ, mồ hôi, công sức của mình xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”.

Nước ta có bờ biển dài 3.260 km, mở ra 3 hướng: Đông, Nam và Tây; có vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, diện tích vượt quá 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần lãnh thổ trên đất liền; có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, gần bờ và xa bờ, chạy suốt từ vịnh Bắc bộ đến vịnh Thái Lan. Những lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên và tiềm năng kinh tế của vùng biển nước ta có tầm quan trọng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để biến tiềm năng thành hiện thực; hay nói cách khác, đẩy nhanh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh trên biển, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Thực hiện chiến lược của Đảng và Nhà nước là xây dựng Quốc gia Việt Nam mạnh từ biển, giàu lên từ biển, Quân chủng Hải quân đã có sáng kiến đưa những người con ưu tú và các tầng lớp xã hội, kể cả kiểu bào nước ngoài ra với Trường Sa để hiểu sự phát triển kinh tế biển có ý nghĩa, vai trò quan trọng như thế nào với nền kinh tế chúng ta. Từ đó thấu hiểu, chia sẻ, đóng góp cho việc xây dựng các đảo của Việt Nam mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống và đẹp về cảnh quan, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những người đã từng ra Trường Sa sẽ là những nòng cốt, trở về tiếp tục lan tỏa tình yêu biển đảo để cùng nhau làm những việc thiết thực cho biển đảo quê hương, góp phần xây dựng Quốc gia Việt Nam mạnh từ biển và giàu lên từ biển.

* Đây là bài viết tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017


Thành Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/