Kì thi THPT quốc gia 2017: Bài thi chuẩn không công bố đề, đáp án thi là không chính xác

15:25 | 11/01/2017
Đó là ý kiến của GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học. Theo GS Thiệp, công bố đề thi rất có lợi, trước hết điều đó phù hợp với xu hướng tạo sự minh bạch trong hệ thống giáo dục, thí sinh và xã hội yên tâm và hoan nghênh…

Kì thi THPT quốc gia 2017: Bài thi chuẩn không công bố đề, đáp án thi là không chính xác

Kì thi THPT quốc gia 2017: Bài thi chuẩn không công bố đề, đáp án thi là không chính xác


Nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề thi


Theo thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia 2017 là Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đề thi, đáp án sau khi kết thúc môn thi như trước đây.


Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi THPT năm 2017 chỉ có duy nhất môn Ngữ văn được công bố đáp án sau khi thí sinh thi xong như mọi năm, còn lại các bài thi trắc nghiệm sẽ không công bố đáp án.


Theo ông Ga, ở các nước nói chung, nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án. Hơn nữa, các câu hỏi thi năm nay có thể tiếp tục còn được dùng cho kỳ thi các năm kế tiếp, nên không thể công bố.


“Để đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh, Bộ GD-ĐT sẽ không công bố đề thi, đáp án”, ông Ga khẳng định. ÔngGa khuyến cáo thí sinh rằng, đề thi chuẩn hóa đã được thử nghiệm nhiều lần trên chính đối tượng học sinh lớp 12 nên đáp án đã được kiểm nghiệm tính chính xác. Dù thí sinh chưa làm bài thi trên máy tính, nhưng việc chấm các bài thi trắc nghiệm khách quan đều được thực hiện bằng phần mềm máy tính đảm bảo độ chính xác cao, nên thí sinh có thể yên tâm về kết quả điểm số của mình” Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.


Công bố đề thi tạo sự minh bạch trong hệ thống giáo dục


Về những quan điểm mà Thứ trưởng Bùi Văn Ga nêu trên, GS.Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cho rằng: “Nói nguyên tắc của bài thi chuẩn hóa là không công bố đề và đáp án có lẽ không chính xác.”


Cũng theo GS Thiệp, hàng năm Trung tâm quốc gia tuyển sinh đại học thuộc Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao, Bộ Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tổ chức kỳ thi bằng các đề trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa cho hơn nửa triệu thí sinh để toàn bộ các trường đại học công lập và phần lớn trường tư thục dùng kết quả xét tuyển. Theo lịch trình của họ, 2 tiếng đồng hồ sau khi kết thúc kỳ thi thì đề thi và đáp án phải được công bố. “Tôi không hiểu tại sao Bộ GD-ĐT phải làm như vậy”, GS Thiệp nói.


Theo GS Thiệp, công bố đề thi rất có lợi, trước hết điều đó phù hợp với xu hướng tạo sự minh bạch trong hệ thống giáo dục mà Bộ đang khuyến khích, thí sinh và xã hội yên tâm và hoan nghênh, xã hội giúp giám sát các bộ phận có trách nhiệm làm đề thi và xem xét đề thi nếu có vấn đề thì xử lý để đảm bảo sự công bằng. Về phía các bộ phận làm đề thì sẽ tăng ý thức trách nhiệm khi được giám sát. Bất lợi chỉ ở chỗ làm lộ một số ít câu hỏi thi nên các năm sắp tới không sử dụng lại được. Tuy nhiên Bộ vừa công bố là đã xây dựng và thẩm định được 45.000 câu hỏi, như vậy số câu hỏi sẽ công bố là rất nhỏ, không đáng kể.


“Tôi phải khẳng định, không công bố đề thi thì rất bất lợi. Trước hết, nó ngược với xu hướng khuyến khích sự minh bạch hiện nay, thí sinh và xã hội nghi ngờ, không yên tâm vì mất quyền giám sát, không minh bạch”, GS Thiệp nêu quan điểm.

Mai Khôi

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/