Tấm bình phong cho những khoản thu không rõ ràng - Bài 1: Vai trò Hội Phụ huynh bị biến dạng

11:12 | 22/09/2017
TTTĐ.VN - Ban đại diện Phụ huynh đáng lẽ phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh nhưng thực tế họ lại thường ủng hộ ý kiến của Ban giám hiệu, nhất là trong những khoản yêu cầu đóng góp. Đây là thực tế xả ra ở hầu hết các trường học hiện nay.

Tấm bình phong cho những khoản thu không rõ ràng - Bài 1: Vai trò Hội Phụ huynh bị biến dạng

Hầu hết khoản tiền bị tố “lạm thu” đều là những khoản tự nguyện, xã hội hóa do Ban đại diện Phụ huynh đứng ra kêu gọi và thu tiền.

Điều lệ Hội Phụ huynh học sinh quy định, kinh phí của Ban đại diện Phụ huynh học sinh lấy từ sự đóng góp, tài trợ tự nguyện, không bắt buộc của cha mẹ học sinh và được dùng vào mục đích phối hợp với nhà trường để giáo dục học sinh. Nguồn quỹ này cũng chỉ được chi sau khi có sự thống nhất của toàn thể cha mẹ học sinh.

Tấm bình phong cho những khoản thu không rõ ràng - Bài 1: Vai trò Hội Phụ huynh bị biến dạng
Minh họa: LAP

Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều trường, hoạt động của Ban đại diện Phụ huynh không minh bạch. Trong các cuộc họp đầu năm để phổ biến các khoản thu tiền, hầu hết chỉ có hiệu trưởng và Ban đại diện phụ huynh nhà trường họp “kín”. Sau đó mới họp công khai và phổ biến đến Ban đại diện Phụ huynh từng lớp.

Một số phụ huynh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, khoản thu đầu năm là khoảng 4 triệu đồng/kì nhưng không ai biết để làm gì và chi thế nào.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, Ban Phụ huynh trường THPT Chu Văn An đang kêu gọi các phụ huynh đóng góp cho 3 dự án: Xây nhà xe cho học sinh với số tiền là 350 triệu; lắp camera, tổng số tiền khoảng 300-400 triệu đồng; tổ chức các câu lạc bộ văn hóa các môn thi. Điều đáng nói là các khoản xã hội hóa đều được đại diện phụ huynh nhà trường tự ý mua sắm và phân bổ, phụ huynh các lớp chỉ biết phải nộp tiền.

Một phụ huynh có con học lớp 11 ở trường THPT Việt Đức phàn nàn, từ năm lớp 10 cho đến nay, mỗi kì học họ đều phải đóng 2 triệu đồng tiền quỹ lớp, cả năm là 4 triệu đồng. Số tiền này chi ra sao các phụ huynh cũng không biết. Chỉ cần quá nửa số phụ huynh im lặng là tất cả phải thống nhất nộp tiền theo số đông.

Cũng theo vị phụ huynh này, sau một số phụ huynh có ý kiến lên hiệu trưởng thì lớp này đã họp phụ huynh và trả lại mỗi suất 750.000 đồng.

Ban đầu khi mới hình thành, đa số Hội Phụ huynh ở các trường học đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhiều Ban Đại diện Hội Phụ huynh rất nhiệt tình, có tâm và có tầm, đã tham gia góp ý cùng nhà trường và Hội đồng sư phạm cải tiến lề lối làm việc, phương pháp giáo dục phù hợp nên hiệu quả và chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, vai trò của Ban đại diện Phụ huynh ở một số trường học dần dần bị biến dạng. Nhà trường thường bị ràng buộc bởi các văn bản pháp quy của Nhà nước và địa phương nên không thể tự ý đề ra các khoản thu theo chủ quan của mình mà lợi dụng danh nghĩa của Ban đại diện Phụ huynh để kêu gọi đóng góp tạo nên một quỹ riêng do Ban Đại diện Phụ huynh quản lí. Việc chi tiêu khoản tiền này phải công khai, minh bạch và đúng với yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường, được sự giám sát của toàn thể cha mẹ học sinh. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều Ban Đại diện Hội Phụ huynh mang tiếng là được bầu chọn dân chủ thông qua cuộc họp phụ huynh nhưng thường là do giáo viên chủ nhiệm chọn, thuyết phục từ trước và hầu hết là những người có điều kiện kinh tế.

Lạm thu tiền trường và chi tiêu thiếu minh bạch, không đúng với mục đích nâng cao chất lượng dạy và học đã xảy ra ở nhiều trường học. Năm học mới đã bắt đầu, không ít phụ huynh đang lo lắng với nhiều khoản đóng góp phát sinh mà họ khó bề từ chối. Gánh nặng đang đè lên vai những gia đình khó khăn khi phải lo trăm thứ chi phí cho con đi học.

(còn nữa)

Mai Khôi

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/