Cô giáo thổi hồn vào môn Địa lý bằng tiếng Anh

16:10 | 18/10/2017
Để có một ý tưởng cho bài giảng Địa lý bằng tiếng Anh mất cả vải tháng, để chuẩn bị cho một giờ lên lớp mất cả một tuần, để học sinh thực sự hứng thú với Địa lý, nhất là dạy để các em hiểu môn này bằng tiếng Anh là cả một quá trình dài cố gắng của cả cô lẫn trò. Dù thế, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Địa lý trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương đã làm được, cô đã thổi hồn vào môn Địa lý, làm cho học sinh hào hứng với mỗi giờ dạy của mình.

Cô giáo thổi hồn vào môn Địa lý bằng tiếng Anh

Cô giáo thổi hồn vào môn Địa lý bằng tiếng Anh

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Địa lý trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương

Là người tiên phong trong việc áp dụng tiếng Anh vào giảng dạy môn học của mình, Cô Nguyễn Thị Thúy Nga đã nhận được nhiều sự hưởng ứng tích cực từ học sinh. Cô Nga chia sẻ: “Tôi chưa có điều kiện để áp dụng toàn bộ các tiết học, tôi chỉ thử nghiệm một số chủ đề nhưng tôi thấy học sinh rất thích thú. Tôi thấy học như thế này, vốn từ tiếng Anh của các em được mở rộng và kiến thức Địa lý được các em dễ dàng tiếp thu hơn là những bài học thông thường ở trên lớp. Ví dụ, trong giờ học về khí hậu thì tên các khối khí kí hiệu như là T, E, A, nếu để tiếng Việt dạy khối khí chí tuyến hay là khối khí cực, xích đạo… thì học sinh hay nhầm lẫn nhưng khi mình cung cấp các từ tiếng Anh thì học sinh lại liên hệ với kiến thức bài học tiếng Anh ở cấp THCS, học sinh lại nhớ luôn. Đó là sự thú vị khi học Địa Lý bằng tiếng Anh”.

Cô Nga cho biết, môn Địa lý mang màu sắc của một số môn học khác nên cô có nhiều cơ hội để áp dụng tiếng Anh vào dạy dễ dàng hơn. Trong môn Sinh học cũng thấy có kiến thức Địa, trong Tiếng Anh mới được đưa vào chương trình phổ thông bây giờ thì những vấn đề nóng hổi về tự nhiên, kinh tế xã hội, môi trường và dân số đều có… Từ đó, cô đã xâu chuỗi lại để giảng dạy cho học sinh. Ví dụ như trong sách Địa lý lớp 12 ở bài 1 có chủ đề nói về đường lối đổi mới kinh tế thì trong sách tiếng Anh lớp 12 trong bài 7 cũng nói về đường lối đổi mới kinh tế, nó tương tự nhau về mặt nội dung nên mình có cơ hội để áp dụng.

Chia sẻ về việc chuẩn bị cho một giờ lên lớp dạy Địa lý bằng tiếng Anh, cô Nga cho biết, để có một giờ dạy trên lớp thực sự là vất vả. “Nó khó khăn vì mình sẽ phải đơn giản hóa các hoạt động đi nhiều hơn, vì sự đồng thuận về ngôn ngữ sẽ không được như là tiếng mẹ đẻ được. Tôi phải đơn giản hóa bài giảng, chọn cấu trúc và các vốn từ tiếng Anh tôi dễ hiểu, thông dụng nhất. Điều quan trọng nữa là tôi phải lựa chọn chủ đề gần gũi để học sinh có thể cảm nhận được vấn đề mà cô giáo đưa vào rất tự nhiên, thực tế chứ không phải là cưỡng ép, tất cả bài giảng đều phải liên hệ với thực tế” Cô Nga nói.

“Để nói cụ thể về thời gian chuẩn bị cho một bài giảng thì rất khó vì nhiều khi tôi đi ngủ nhưng lại chợt nảy ra một ý tưởng nào đó và tôi nuôi dưỡng ý tưởng đó dài lâu thì mới được một bài giảng tâm huyết. Còn với tiếng Anh thì mất khoảng thời gian chuẩn bị nhiều hơn, trau chuốt hơn để làm thế nào để giờ học diễn ra tự nhiên, thoải mái, không mang yếu tố trình diễn mà học sinh thực sự hứng thú. Mình nhớ là khi đầu tư tập trung thì một bài dạy thông thường trên lớp thì mình soạn trong một buổi, còn soạn bài giảng bằng tiếng Anh có lẽ phải mất một tuần nhưng ý tưởng thì có thể lâu dài’ Cô Nga chia sẻ.

Cũng theo cô Nga, để có một bài dạy Địa bằng tiếng Anh Suôn sẻ thì đầu tiên là cô phải nắm vững cả chương trình tiếng Anh và Địa phổ thông, phải tìm hiểu xem nó có những vấn đề gì liên quan. Sau đó cô lên ý tưởng, định hướng trước cho học sinh. Học sinh sẽ cùng cô giáo thực hiện chủ đề này để các em có ý thức xây dựng được vốn từ nhất định, sau đó mình sẽ đưa cấu trúc bài học đơn giản để học sinh có thể nghiên cứu, cuối cùng thì bài dạy mới thực hiện được.

Là một học sinh chuyên Anh hồi còn đang học THCS, cô Nga được một cô giáo dạy Địa lý ở trường THCS phát hiện ra có một chút năng khiếu, cô giáo đó đã hướng cô Nga vào đội tuyển Địa lí, sau đó, cô Nga có thành tích đạt giải Nhì quốc gia môn Địa Lý. Cô Nga nhận ra rằng, trong quá trình học chuyên, nếu như trở thành giáo viên thì vốn kiến thức sâu rộng ở thời kì học chuyên và thời kì tập huấn đội tuyển sẽ được cung cấp cho học sinh rất hữu ích. Vì vậy cô Nga quyết tâm thi vào trường sư phạm để theo học với mong muốn là đem những kiến thức mình biết được truyền thụ cho học sinh.

Mai Khôi

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/