Ai sẽ là người hưởng lợi khi Vingroup thành công với dự án Vinfast?

18:33 | 16/10/2017
TTTĐ.VN - Một dự án kinh doanh đương nhiên là luôn có mục tiêu đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Dự án Vinfast của tập đoàn Vingroup cũng không ngoại lệ. Nhưng ngoài lợi nhuận cho doanh nghiệp, mỗi dự án kinh tế còn đem lại lợi ích và giá trị cho một đối tượng nhất định. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ là người được hưởng lợi từ dự án sản xuất ô tô của Vingroup?

Ai sẽ là người hưởng lợi khi Vingroup thành công với dự án Vinfast?

Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh về giá trị khi Vingroup tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô: "Nếu Vingroup thành công với dự án Vinfast, ngoài lợi ích của bản thân doanh nghiệp, ngành công nghiệp ô tô với các doanh nghiệp hỗ trợ và cả nền kinh tế sẽ nhận được những giá trị rất lớn”.

Ai sẽ là người hưởng lợi khi Vingroup thành công với dự án Vinfast?

Dự án Vinfast của Vingroup có dễ dàng đem lại lợi ích của doanh nghiệp?

Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là một thị trương có tiềm năng, tuy nhiên lại chưa phải là một thị trường hấp dẫn.

Đầu tiên, dung lượng thị trường Việt Nam còn có nhỏ. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), số lượng ô tô được bán ra tại Việt Nam trong năm 2016 là khoảng 300.000 chiếc, con số này là cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ô tô tại Việt Nam. Trong khi dó, để được đánh giá là thị trường hấp dẫn, doanh số trung bình năm của Việt Nam phải đạt con số trên 500.000 chiếc.

Ngoài ra, ngành sản xuất ô tô trên thế giới hiện tại đang trong giai đoạn khó khăn với những số liệu không khả quan. Lợi nhuận từ ngành công nghiệp ô tô chiếm tỷ lệ chỉ chưa bằng một nửa so với chi phí bỏ ra, tỷ suất lợi nhuận biên (tỷ suất lãi ròng/doanh thu) của 10 hãng sản xuất xe lớn nhất thế giới chỉ đạt bình quân 4%, theo báo cáo của PwC.

Như vậy, Vingroup đang phát triển một dự án ô tô trong một thị trường được đánh giá chỉ ở mức tiềm năng thay vì lựa chọn một dự án an toàn hơn.

Nếu thành công, dự án Vinfast sẽ đem lại giá trị lớn cho nền kinh tế quốc dân

Đối với nền kinh tế của một đất nước, ngành công nghiệp ô tô luôn là niềm tự hào lớn, nó được xem như là chuẩn mực để đánh giá một nền kinh tế có phát triển hay không. Bởi, nó thể hiện trình độ phát triển của công nghệ, thiết kế, sức sản xuất, chuỗi cung ứng, phân phối cũng như tiềm lực lao động của một đất nước.

Với quy mô dân số cũng như điều kiện địa lý thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có thể có khả năng xây dựng nên một thương hiệu ô tô nội địa. Vì thế, đây không đơn thuần chỉ là ước mơ của người Việt mà nó hoàn toàn có tính hiện thực.

Trên thực tế, dự án Vinfast của Vingroup đã khởi động được một tháng, dù nó nhận được không ít ý kiến trái chiều, tuy nhiên đa số cộng đồng đã ủng hộ rất nhiều cho dự án này.

Nếu dự án này thành công, Vingroup sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo dựng nên ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo một diễn biến mới, đồng thời đẩy nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác cùng đi lên và tạo ra môi trường tốt cho tất cả cùng phát triển.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Vingroup khẳng định, "Vinfast sẽ hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực."

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ chấp nhận lỗ trong thời gian đầu để làm chủ được công nghệ, tự chủ trong ngành công nghiệp.

Hơn nữa, dự án Vinfast thành công sẽ đóng góp hàng tỷ USD vào GDP vào nên kinh tế quốc dân, giải quyết hàng việc làm trực tiếp cho hàng chục nghìn lao động, góp phần xây dựng lại cơ cấu ngành công nghiệp ô tô trong nước, tạo sức bật cho hàng loạt ngành công nghiệp hỗ trợ...

Quỳnh Trang

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/