Rượu ngâm khiến nhiều người ngộ độc

16:39 | 24/03/2017
TTTĐ.VN- Không chỉ có mối nguy hiểm từ rượu methanol, loại rượu ngâm các vị thuốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng. Đáng lo ngại hơn, nhiều người lại lầm tưởng coi đây là loại “rượu thuốc” có khả năng chữa nhiều loại bệnh.

Rượu ngâm khiến nhiều người ngộ độc

Trong những ngày vừa qua, loại rượu không nhãn mác có chứa nồng độ methanol vượt ngưỡng cho phép đã gây ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu khiến người tiêu dùng, lo lắng hoang mang. Còn loại rượu ngâm, rượu thuốc đang tiềm ẩn không ít nguy hại lại được ưu ái, tiêu thụ rất mạnh.

Rượu ngâm khiến nhiều người ngộ độc


Bất kể loại gốc rễ cây trong vị thuốc Đông y đến các loại bào thai động vật, rắn… cũng được ngâm vào rượu. Nhiều người lầm tưởng rằng uống rượu ngâm như một bài thuốc tốt cho sức khỏe. Trước thực tế trên, các chuyên gia về y học cổ truyền cho rằng, sai lầm của nhiều người là cứ nghe thấy con vật hay loài cây cỏ nào có công dụng bổ dưỡng, trị bệnh, tốt cho xương khớp là cho vào ngâm rượu.

Ngày 23/3, Khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm với củ ấu tàu. Khi được chuyển đến bệnh viện, cả 3 bệnh nhân đều trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, hoa mắt chóng mặt, đồng tử giãn... do bị ngộ độc rượu ở dạng nguy hiểm.

Qua thăm khám ban đầu, các bác sỹ xác định 3 trường hợp trên bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu. Ngay sau đó, các bệnh nhân được truyền dịch, thở ôxy, dùng thuốc và tiến hành rửa dạ dày. Do được phát hiện sớm và kịp thời đưa đến bệnh viện nên cả 3 người đã qua cơn nguy kịch.

Theo y học dân tộc, củ ấu tàu có vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại, bán thân bất toại, vì thế chỉ dùng xoa bóp dưới dạng rượu thuốc (rễ củ thái mỏng, ngâm rượu). Tuy nhiên, độc tính chứa trong củ ấu tàu là acotinin, một loại alkaloid có hoạt tính sinh học rất mạnh.

Một loài vật được sử dụng nhiều để ngâm rượu là tắc kè, theo y học cổ truyền, tắc kè có công dụng tốt cho sinh lý, chữa đau nhức phong thấp nhưng mắt của con vật này lại có chứa độc tố nguy hiểm. Vì vậy, trước khi ngâm rượu cần làm sạch tắc kè, bỏ hai con mắt và lục phủ ngũ tạng, nướng sơ qua. Điều nguy hiểm hơn nhưng ít người biết với các con vật, nếu sử dụng rượu 40 độ hay thấp hơn để ngâm rồi uống thì sẽ rất bẩn và độc. Bởi với nồng độ đó, rượu không những không làm chín con vật mà còn khiến con vật bị phân hủy và sinh ra độc tố.

Đối với rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố, đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Với rượu ngâm động vật phải có độ cồn từ 45 đến 55 độ. Còn rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn, khoảng 40-50 độ.

Tuyệt đối không dùng rượu công nghiệp không rõ nguồn gốc để ngâm. Việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có công thức, có sự chỉ định của các bác sĩ Đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì nó sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp… rất nguy hiểm.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/