Năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt 100% bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc

11:17 | 23/10/2017
TTTĐ.VN- Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.

Năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt 100% bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc

Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25.000 người/năm; ở Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38.000 người/năm; ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23.000 người/năm.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, có 499/2083 hiệu thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 29,5%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Đặc biệt, thuốc kháng sinh đã đóng góp 13% ở thành thị và 18% ở nông thôn trong tổng số doanh thu của hiệu thuốc.

Năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt 100% bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc

Năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt 100% bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc. Ảnh minh họa.


Phần lớn thuốc kháng sinh được bán mà không có đơn, chiếm tỷ lệ 88% (ở thành thị) và 91% (ở nông thôn). Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29%), cephalexin (12%) và azithromycin (7,3%).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Bộ Y tế đang chỉ đạo Cục Quản lý Dược làm thí điểm tại một số nơi, đặc biệt là tại thành phố lớn.Việc triển khai phòng, chống kháng thuốc không chỉ tập trung vào thay đổi hành vi của người dân như mua thuốc theo đơn và chống nhiễm khuẩn bệnh viện mà còn tránh tình trạng dư lượng kháng sinh trong động vật, thực vật.

Tới đây, các bệnh viện sẽ tiến hành củng cố hệ thống vi sinh, xem xét loại vi khuẩn và loại kháng sinh sử dụng đó có phù hợp hay không, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh trong bệnh viện, bảo đảm yếu tố vệ sinh và vô trùng.

Với kê đơn ngoại trú, tới đây, các quầy thuốc, nhà thuốc sẽ phải thực hiện quản lý mua bán, sử dụng thuốc qua hệ thống công nghệ thông tin để vừa bảo đảm bán thuốc khi có đơn vừa bảo đảm nguồn thuốc chất lượng để người tiêu dùng được sử dụng thuốc có chất lượng, không quá hạn, công khai, minh bạch về giá cả. Thực hiện theo đề án vừa phê duyệt, đến năm 2020, Việt Nam phải đạt 100% bán thuốc kháng sinh có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/