Thông tin tiếp vụ Cienco 5: Có dấu hiệu làm thất thoát tài sản của Nhà nước” - Luật sư: Đủ yếu tố cấu thành tội phạm

14:28 | 13/03/2017
TTTĐ.VN - Luật sư Phạm Văn Phất cho rằng, các hành vi vi phạm tại Cienco 5 đã có đủ các yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm sáng tỏ các dấu hiệu vi phạm này.

Thông tin tiếp vụ Cienco 5: Có dấu hiệu làm thất thoát tài sản của Nhà nước” - Luật sư: Đủ yếu tố cấu thành tội phạm

>> Tổng Công ty Cienco 5: Có dấu hiệu làm thất thoát tài sản của nhà nước
* Lộ diện dấu hiệu sai phạm


Thông tin tiếp vụ Cienco 5: Có dấu hiệu làm thất thoát tài sản của Nhà nước” - Luật sư: Đủ yếu tố cấu thành tội phạm
Dự án khu nhà ở tại xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện

Liên quan đến những dấu hiệu gây thất thoát tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) và Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), ngày 24/5/2016, HĐQT Cienco 5 đã ban hành Nghị quyết nêu rõ, việc Tổng công ty thành lập, chuyển nhượng vốn đầu tư tại Cienco 5 Land cũng như việc ký hợp đồng giao khoán (thu 2%) để thực hiện các dự án đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện, Tổng công ty sẽ có văn bản gửi các cơ quan pháp luật xem xét xử lý theo quy định.

Để làm rõ hơn những dấu hiệu vi phạm pháp luật này, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Quảng Ninh).

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Phất cho rằng, theo Đề án thì Cienco5 thành lập Cienco 5 Land là công ty con chuyên về kinh doanh địa ốc nhưng Cienco5 lại chỉ nắm giữ 49% vốn điều lệ nên Đề án này không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 (khoản 15 Điều 4). Theo đó, một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó; Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó; Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.


Việc thông qua và ban hành Nghị quyết số 2046/QĐ-HĐQT ngày 04/12/2007 của Hội đồng quản trị Cienco 5 phê duyệt Đề án thành lập Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land), theo đó, Cienco 5 Land là công ty con của Cienco 5 nhưng Cienco 5 chỉ nắm giữ 49% vốn điều lệ là trái quy định của pháp luật về công ty mẹ- công ty con, không phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp về phương thức thông qua các quyết định trong công ty cổ phần.

Công văn số 272/KHDA của Cienco 5 ngày 04/03/2008 gửi UBND tỉnh Hà Tây và các sở ban ngành liên quan với nội dung: Cienco 5 giao cho Cienco 5 Land thay mặt Cienco 5, dùng pháp nhân của Cienco 5 Land để triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các dự án do Cienco 5 làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tây; Giới thiệu Cienco 5 Land là doanh nghiệp dự án là trái với quy định của pháp luật vì ủy quyền cho một công ty không phải là công ty con mà không có hợp đồng ủy quyền để ràng buộc quyền lợi, nghĩa vụ của các bên; Chấp thuận một doanh nghiệp mà Cienco 5 không có quyền quyết định cơ cấu tổ chức và hoạt động là doanh nghiệp dự án dẫn đến hậu quả Nhà đầu tư bị động hoàn toàn trong quá trình thực hiện Hợp đồng BT đã ký.

Việc thông qua và ban hành Nghị quyết số 866/NQ-HĐQT triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-HĐQT về chuyển giao các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tây từ Cienco 5 sang Cienco 5 Land, giao khoán phần lợi nhuận Cienco 5 Land phải nộp là 2% giá trị hợp đồng, việc Cienco 5 và Cienco 5 Land ký kết và thực hiện Hợp đồng BT số 872-BT-HĐ là trái luật. Lý do, Cienco 5 giao cho Cienco5land “chịu toàn bộ trách nhiệm trực tiếp tổ chức quản lý, đầu tư, xây dựng và kinh doanh Hợp đồng BT với mức giao khoán lợi nhuận là 2% tính trên giá trị hợp đồng BT” khi không có bất cứ văn bản nào được ký kết giữa Doanh nghiệp Dự án, Nhà đầu tư và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hợp thức hóa việc Doanh nghiệp Dự án tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ của Nhà đầu tư liên quan đến việc thực hiện Dự án là trái pháp luật, vi phạm cam kết tại Hợp đồng BT đã ký.

Không những thế, theo Điều 4 của Giấy chứng nhận đầu tư số 15/BKH-GCNĐTTN ngày 25/4/2008, vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư BT (tức Cienco 5) là 607 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cienco 5 chỉ đầu tư vào Dự án BT (thông qua vốn góp vào Cienco 5 Land) 24,5 tỷ đồng, sau đó giảm xuống dưới 20 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng BT và Giấy chứng nhận đầu tư về vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư.

Luật sư Phất cho rằng, các hành vi: Thành lập doanh nghiệp dự án theo Đề án mà Nhà đầu tư không có quyền chi phối hoạt động của doanh nghiệp dự án ngay sau khi thành lập; Ủy quyền, chuyển giao việc thực hiện dự án làm mất sự chủ động của Nhà đầu tư trong quá trình thực hiện Hợp đồng BT; Không đầu tư vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư theo quy định của giấy chứng nhận đầu tư xảy ra tại Cienco 5 giai đoạn 2008- 2013 có đủ các yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ vụ việc trên.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này…


Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như sau: “Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:


a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”



Thanh Hà

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/