Peru nỗ lực bảo vệ ngôn ngữ "thổ dân"

14:55 | 09/02/2017
TTTĐ – Ông Amadeo Garcia, người Peru hiện không thể tìm được ai khác nói tiếng mẹ đẻ Taushiro giống như mình. Cùng chung cảnh ngộ với ông Garcia là ông Pablo Andrade, người cuối cùng của dân tộc Resigaro, Peru.

Peru nỗ lực bảo vệ ngôn ngữ

Peru nỗ lực bảo vệ ngôn ngữ

Peru hiện có khoảng 67 thổ ngữ đang được sử dụng.


Hai ngôn ngữ bản địa này nằm trong 17 thứ tiếng đang bị đe dọa tại Peru, nơi nhịp sống hiện đại đã tiến vào các khu vực bị cô lập gần lưu vực sông Amazon, “xóa sổ” nhiều tập tục bản địa cùng với ngôn ngữ của người dân địa phương.

Ông Garcia, 67 tuổi là người tộc Taushiro cuối cùng – một nhóm sắc tộc bản địa phía bắc Peru đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sốt rét, các cuộc xung đột với công nhân cạo mủ cao su và sự cố tràn dầu độc hại tại các con sông gần đó.

Trong khi đó ông Andrade, 65 tuổi của dân tộc Resigaro cũng rơi vào trường hợp tương tự như vậy. 10 năm trước, có 37 người Resigaro còn sống. Tuy nhiên, những người này đã kết hôn và gia nhập vào cộng đồng dân tộc Ocaina lớn hơn và từ bỏ việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, nhà nhân chủng học Alberto Chirif cho biết.

"Có 4 ngôn ngữ bản địa đang bị đe dọa và 17 ngôn ngữ thuộc diện cực kỳ nguy cấp – chiếm khoảng một nửa ngôn ngữ bản địa của nước này," Elena Burga, Cục trưởng Cục Giáo dục địa phương, Song ngữ và liên văn hóa của Chính phủ cho hay.

Ông Burga cho biết thêm rằng ảnh hưởng từ văn hóa của Tây Ban Nha - ngôn ngữ chính được Chính phủ, hệ thống giáo dục và truyền hình sử dụng đang dần “thay thế” ngôn ngữ bản địa và khiến trẻ em thời nay không còn muốn học tập về ngôn ngữ riêng của nước mình.

Vấn đề này hiện trở nên trầm trọng hơn do các nhóm dân tộc bản địa đang phải chuyển giao đất cho các hoạt động trồng trọt, khai thác dầu mỏ, khai thác mỏ và khai thác gỗ trái phép hay thậm chí cho các băng đảng ma túy.

"Dịch bệnh cũng tước đoạt đi mạng sống một phần mười những người dân thiểu số bị cô lập và làm giảm mạnh dân số của họ," ông Burga nói.


Peru nỗ lực bảo vệ ngôn ngữ

Một lớp học của trẻ em Peru. Ảnh: AFP


Không chỉ là những ngôn ngữ

Năm 2009, UNESCO đã cảnh báo khoảng 2.500 ngôn ngữ trên toàn thế giới đang đối mặt với nguy cơ “tuyệt chủng”. Trong đó, mỗi một ngôn ngữ đều đại diện cho một kho tàng từ ngữ, thơ, truyện cười, tục ngữ và truyền thuyết.

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng tại Peru, nơi rừng nhiệt đới Amazon và núi Andes tọa lạc và cũng là nơi sinh sống của hàng chục cộng đồng bản địa ít người.

Theo National Geographic, khu vực này là một trong năm điểm nóng với số lượng các ngôn ngữ đang bị đe dọa trên thế giới lớn nhất, cùng với miền Bắc Australia, cao nguyên Thái Bình Dương ở Bắc Mỹ, vùng phía Đông và trung tâm Siberia.

Báo cáo trích dẫn số liệu chính thức cho thấy 40 năm trước, nửa dân số Peru nói tiếng Quechua, ngôn ngữ của người Inca và cũng là ngôn ngữ phổ biến nhất, nhưng ngày nay chỉ còn 13% người Peru nói được các ngôn ngữ bản địa.

Một thống kê chính thức khác cho thấy đã có khoảng 37 ngôn ngữ bản địa ở Peru biến mất. Hiện tại, không chỉ hai ngôn ngữ Taushiro và Resigaro đang đặc biệt bị đe dọa mà còn Munichi – với chỉ 3 người biết sử dụng, Inapari – với 4 người dân bản địa và Cauqui – với 11 người cuối cùng biết nói thứ tiếng này.

Peru nỗ lực bảo vệ ngôn ngữ


Trẻ em Peru đi học. Ảnh: AFP

Nỗ lực của Chính phủ

Đất nước Peru, quốc gia được coi là cái nôi của đế chế Inca cổ đại, đang nỗ lực bảo vệ sự giàu có của ngôn ngữ bản địa và giúp nó không bị áp đảo bởi tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ “thống trị” tại đây sau thời kỳ thuộc địa.

Chính phủ Peru đã mở một chương trình truyền hình tin tức hàng ngày ở Quechua, phục vụ cộng đồng 4 triệu người sử dụng ngôn ngữ này.

Một chương trình truyền hình khác cũng được mở ra, hướng tới phục vụ gần nửa triệu dân tại Aymara. Cả hai khu vực trên đều có sử dụng nhiều phương ngữ.

Trong trường hợp Taushiro, Bộ Văn hóa Peru đã mở một dự án lưu giữ hình thức ngôn ngữ dạng audio và một từ điển âm thanh.

Còn dân tộc Yanesha, chủ yếu sống tại tỉnh Oxapampa, đã mở ra một loạt các trường song ngữ với sự giúp đỡ của các nhà nhân chủng học Mỹ và nhà ngôn ngữ học Richard Chase Smith. Một trong những nhiệm vụ của nhà trường là chuyển thể các chữ cái Yanesha cổ sao cho thích ứng với công nghệ hiện đại, với hy vọng mở ra những không gian ngôn ngữ trực tuyến.

40/47 ngôn ngữ bản địa của Peru đang được sử dụng trong các trường song ngữ, ông Burga nói, nhờ vào một dự án của chính phủ để đảm bảo “sự sống còn” của những ngôn ngữ này.

Tuy nhiên, nhà nhân chủng học này thúc giục các quan chức hãy hành động nhiều hơn nữa để công nhận quyền của người dân bản địa với đất đai và bản sắc của họ.

Minh Hoa (theo AFP)

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/