Cảnh báo nạn lao động Việt bị lừa làm nô lệ ở Anh

15:16 | 14/09/2017
TTTĐ.VN – Nhiều người Việt đang mắc bẫy bọn buôn người, bị lừa cả tỷ đồng với lời hứa về một cuộc sống vương giả ở Anh.

Cảnh báo nạn lao động Việt bị lừa làm nô lệ ở Anh

“Cuộc sống như nữ hoàng”

“Tôi được hứa rằng sẽ có cuộc sống như một nữ hoàng ở Anh, với thức ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhàn hạ, mức lương cao. Tôi nghĩ mình sẽ được sống tốt nên đã lên máy bay, sau đó được chuyển sang một chiếc ô tô và một chiếc xe tải, nhưng tôi không biết họ đã đưa mình qua những quốc gia nào”, một người Việt Nam giấu tên chia sẻ với tổ chức Cao ủy chống nạn nô lệ độc lập (IASC) của Chính phủ Anh.

“Phải mất hai tháng tôi mới tới được Anh, không bị bạo hành hay bóc lột nhưng chuyến đi rất vất vả. Chuyến đi tốn kém hơn so với con số đưa ra ban đầu mà công việc lại chẳng được như lời hứa”, cô nói. Cô cho biết mình đã nộp 19.000 bảng (hơn 570 triệu đồng) cho giấc mơ “đổi đời” này.

Đó là một trong số rất nhiều nạn nhân của nạn buôn bán người mà tổ chức IASC của Anh vừa đưa ra cảnh báo. Trong báo cáo mới nhất của IASC, Việt Nam là một trong ba nước có nhiều người bị bán sang Anh nhất.


Cảnh báo nạn lao động Việt bị lừa làm nô lệ ở Anh

Ảnh minh họa

Tiền mất tật mang

Từ năm 2009 đến 2016, ước tính gần 1.750 người Việt đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn.

Người đứng đầu IASC, ông Kevin Hyland cho biết, việc đưa người vào Anh trái phép đang là một “ngành kinh doanh lớn”. Để quảng cáo, các đường dây buôn người đã phóng đại về dịch vụ của mình, bao gồm độ tin cậy cũng như khoản tiền mà người lao động có thể thu về.

Theo báo cáo, những kẻ buôn người đang tìm cách khai thác lỗ hổng trong quy trình xin thị thực vào Anh. Cụ thể, một số đơn được xử lý tại Đại sứ quán Anh ở Thái Lan. Ngoài ra, đường dây này còn nhắm vào các đơn vị xin thị thực cho đối tượng du học sinh sang Anh, thông qua việc dàn xếp để lấy thị thực hợp pháp của sinh viên rồi dùng cho những “con mồi” của mình.

Những kẻ buôn người đưa ra 2 giá dịch vụ cho nạn nhân lựa chọn. Nếu chấp nhận bỏ ra 33.000 bảng (gần 1 tỷ đồng), con đường sang Anh sẽ ngắn nhất và mức rủi ro thấp nhất. Với những người chọn mức giá “kinh tế” hơn, từ 10.000 - 20.000 bảng (300 triệu - 600 triệu đồng), họ sẽ phải đối mặt với hành trình kéo dài nhiều tháng để đến với trời Âu.


Cảnh báo nạn lao động Việt bị lừa làm nô lệ ở Anh

Nhiều lao động Việt Nam đang bị lừa sang Anh, bị ép vào làm việc tại các tiệm nail


Nô lệ thời hiện đại

Cũng trong báo cáo này, IASC kêu gọi ngăn chặn nạn buôn bán trái phép người di cư, bắt họ phải lao động như nô lệ, đặc biệt trong các tiệm làm móng (nail) ở Anh.

Tờ The Guardian ngày 11/9 cho hay, số lượng lao động Việt Nam bị buộc lao động như nô lệ trong các tiệm làm móng hay trong các trang trại cần sa đang ngày càng tăng. Nạn nhân của các đường dây buôn người này bao gồm những người đã mất tiền cho chúng và thậm chí cả trẻ vị thành niên bị bắt cóc đưa đến Vương quốc Anh.

Một nạn nhân người Việt mà nhóm điều tra tiếp cận cho biết, người này bị ép làm việc suốt cả tuần mà không được nghỉ ngày nào, làm việc từ sáng sớm cho đến khoảng 19h nhưng chỉ được trả công 30 bảng/tuần.

Một trường hợp khác, được xác định là trẻ vị thành niên, chia sẻ về hành trình trở thành nạn nhân của đường dây buôn người quốc tế trước khi bị đẩy vào làm việc ở tiệm nail tại Anh.

"Tôi vốn là trẻ mồ côi, được rủ đi làm ăn, rồi bị đưa sang Anh”, nạn nhân khai báo với nhà điều tra sau khi cô được giải cứu. Tại Anh, cô bị nhốt kín trong nhà và phải học về nghề làm móng. Sau quá trình học việc, cô được đưa đến một salon để làm việc.

Không chỉ bị áp thời gian làm việc quá nhiều và thu nhập rẻ bèo, cô còn không được giữ tiền thù lao mà phải đưa hết cho những người giám sát. Hết ngày làm việc, chúng lại đưa cô trở về nhà ở tập thể và khóa trái cửa không cho ra ngoài.

Cảnh báo nạn lao động Việt bị lừa làm nô lệ ở Anh

Cảnh sát Anh kiểm tra một cơ sở làm móng có dấu hiệu bóc lột lao động
Ảnh: Twitter


Cần sớm có biện pháp quản lý

“Đây là một tội ác có tổ chức bài bản vô cùng nghiêm trọng. Con người bị ngã giá và bán đi như hàng hóa. Chúng tôi luôn tìm thấy dấu vết về sự kết nối giữa một số tiệm làm móng và những nhóm đưa người nhập cư trái phép. Và những tổ chức này luôn có kẻ đứng sau điều hành cũng như rót tiền”, ông Kevin Hyland nhận định. Hầu hết các cửa hàng nail ở Anh chỉ chấp nhận thanh toán tiền mặt và không được kiểm soát.

Báo cáo cũng thừa nhận, tình trạng bóc lột lao động trong các tiệm nail vẫn tồn tại là do ngành này chưa có sự quản lý chính thức từ chính phủ Anh. Các quy tắc hành nghề do những hiệp hội ban hành chỉ được áp dụng trên cơ sở tự nguyện.

Tại Mỹ, chính quyền New York đã ban hành hàng loạt biện pháp để bảo đảm nhân viên các tiệm nail không bị bóc lột và nhận được lương tối thiểu. Những chủ cửa tiệm cũng được yêu cầu phải trưng biển quyền lợi của người lao động bằng nhiều ngôn ngữ. Đây là các cách làm mà ông Hyland khuyến nghị nước Anh nên học hỏi để quản lý ngành nghề đang có nhu cầu cao ở xứ sở sương mù.

Thục Anh tổng hợp

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/