Vì sao Ngân hàng nhà nước không cho hộ kinh doanh vay vốn?

11:00 | 13/02/2017
Trước thông tư 39 quy định chỉ pháp nhân, cá nhân mới đủ tư cách vay vốn tại các tổ chức tín dụng, đồng nghĩa với việc các hộ kinh doanh, gia đình không được vay vốn, phía ngân hàng nhà nước đã có những giải thích cụ thể.

Vì sao Ngân hàng nhà nước không cho hộ kinh doanh vay vốn?

Mới đây, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã bổ sung một số quy định trong thông tư 39 về quy định khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, kể từ ngày 15/3, chỉ những khách hàng là pháp nhân, cá nhân mới đủ tư cách vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Những đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) thì sẽ không đủ tư cách để vay vốn.

Thông tin này đang khiến dư luận, đặc biệt là các hộ gia đình, các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ cảm thấy hoang mang vì từ nay, việc vay vốn ngân hàng không còn đơn giản nữa.

Tuy nhiên, theo ý kiến của giới phân tích thì những quy định được bổ sung mới đây trong thông tư 39 chỉ đơn thuần là điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Theo đó, việc vay vốn của các hộ kinh doanh, hộ gia đình vẫn được áp dụng. Tuy nhiên sẽ giao dịch với tư cách cá nhân chứ không có chuyện chủ hộ thì sẽ đương nhiên là đại diện cho hộ đi vay vốn như trước đây.

Trao đổi với báo chí, đại diện Vụ pháp chế ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Quy định về chủ thể tham gia quan hệ dân sự (bao gồm cả hợp đồng vay vốn) chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân đã được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017). Những quy định bổ sung tại thông tư 39 của ngân hàng Nhà nước chỉ là thực hiện theo quy định đã có hiệu lực của Bộ luật dân sự 2015.

Vì sao Ngân hàng nhà nước không cho hộ kinh doanh vay vốn?

Việc ký hợp đồng cho vay vốn với tư cách hộ kinh doanh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tổ chức tín dụng

Vị đại diện này cũng giải thích thêm: “Việc TCTD tiếp tục ký hợp đồng cho vay với hộ kinh doanh và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân sẽ tiềm ẩn rủi ro cho TCTD cho vay vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng do bên vay không đủ tư cách chủ thể”.

Hiện nay, nhiều người đang hiểu rằng, các hộ kinh doanh nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân. Khi đó, họ phải chịu mức lãi suất cao hơn tương đương với vay vốn tiêu dùng.

Tuy nhiên, phía ngân hàng nhà nước khẳng định rằng, không chỉ riêng với hợp đồng tín dụng ngân hàng, theo Bộ luật dân sự 2015, thì từ 01/01/2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết bất cứ loại hợp đồng nào. Vì vậy, không có bất kỳ quy định nào buộc các hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn. Việc vay vốn sẽ thực hiện theo tư cách cá nhân.

Về vấn đề lãi suất, ngân hàng Nhà nước cho biết, mức lãi suất do các tổ chức tín dụng quyết định dựa trên mục đích vay vốn, thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng TCTD... chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân.

PV tổng hợp

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/