Hai tâm niệm của “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”

17:08 | 02/03/2017
TTTĐ.VN - “Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ Tâm – Trí - Lực vào lĩnh vực này. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng”.

Hai tâm niệm của “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”

Đó là tư duy của bà Thái Hương khi đầu tư vào nông nghiệp với mong muốn làm “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”. Khi đầu tư vào nông nghiệp, bà luôn tâm niệm 2 điều: làm cho người nông dân tự hào về mảnh đất của họ và làm cho người Việt Nam tự tin, tự hào về sản phẩm nông sản Made in Viet Nam. Điều đó đã được bà chia sẻ tại Lễ Khởi công Dự án Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và gạo chất lượng cao tại Vũ Thư, Thái Bình ngày 24/2


Hai tâm niệm của “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”
Bà Thái Hương phát biểu những tâm niệm của mình đối với sản xuất nông nghiệp trong Lễ khởi công Dự án Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và gạo chất lượng cao tại Vũ Thư, Thái Bình ngày 24/2.


Để nông dân tự hào về mảnh đất của mình

Phát biểu tại sự kiện, bà Thái Hương thẳng thắn bày tỏ trước lãnh đạo Chính phủ và chính quyền địa phương những suy nghĩ của mình: “Nền nông nghiệp của chúng ta hiện nay đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất theo mô hình mới, có quy mô lớn mà trong đó doanh nghiệp phải giữ vai trò là động lực cho sự phát triển nhằm để huy động các nguồn lực đầu tư từ vốn, nhân lực rồi về khoa học công nghệ, cũng như xử lý các mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ, còn hộ gia đình là những thành viên tham gia vào quá trình sản xuất của các nhà đầu tư, của doanh nghiệp”.


Hai tâm niệm của “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm hỏi những công nhân của Dự án


Thực tế, trước kia, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là câu chuyện dài khiến nhiều người lo ngại bởi sự lỏng lẻo của nó. Trong mối liên kết này, người nông dân sẽ vẫn cày cấy trên mảnh đất của mình và doanh nghiệp bao tiêu nông sản. Nhưng chỉ một biến động nhỏ của thị trường, mối liên kết này bị phá vỡ, cả từ hai phía

Bà Thái Hương đã đề xuất một cách làm hoàn toàn khác: “Chúng tôi sẽ thuê đất, cùng bàn với lãnh đạo tỉnh, trả thu nhập cho bà con bằng chênh lệch địa tô bình quân ở đây. Chúng tôi thuê thấp nhất là 20 năm và cao là 30 năm và 5 năm chúng tôi sẽ điều chỉnh giá một lần nhưng không qua 5%”

Cùng với trả tiền thuê đất, bà Thái Hương cũng cam kết, mỗi gia đình cho thuê 1 ha sẽ có một lao động được nhận vào làm trong dự án, mức lương lao động chính không thấp dưới 5 triệu. Như vậy tính ra tiền công tiền lương mỗi năm một công nhân được 60 triệu đồng/1ha, vùng lúa giá thuê thấp nhất là 25 triệu đồng, vùng màu khoảng 26-30 triệu đồng. Tiền thuê đất sẽ trả theo vụ thu hoạch. Như vậy trung bình mỗi gia đình sẽ có nguồn thu khoảng 80-90 triệu đồng/năm mà không phải lo các chi phí trồng cấy, lo thời tiết thất thường, giá cả lên xuống.

“Những cam kết của tôi trước Trung ương, địa phương, tất cả bà con là làm với tất cả tấm lòng của mình. Nếu được tin và yêu, chúng tôi sẽ làm cho người dân Việt Nam, cụ thể là người dân Thái Bình có quyền tự hào về mảnh đất của họ”- bà Thái Hương khẳng định

Mang thực phẩm sạch tới cho cộng đồng

Tại buổi lễ, bà Thái Hương cũng chia sẻ: “Ngày hôm nay tôi đã làm được một điều nhỏ nhoi trong cuộc đời là mang lại những sản phẩm tốt nhất cho quê hương mình, giảm được một nắng hai sương cho bà con nông dân”


Hai tâm niệm của “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”


Hai tâm niệm của “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”


Hai tâm niệm của “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”

Mô hình rau củ quả sạch của trang trại FVF đã làm thành công tại Nghệ An.

Tâm niệm sản xuất thực phẩm sạch, “mang lại những sản phẩm tốt nhất cho quê hương” đã được bà Thái Hương hiện thực hóa bằng Dự án sữa tươi sạch TH true MILK, Dự án rau sạch FVF, Dự án dược liệu sạch TH Herbals và một số Dự án nông nghiệp khác.

Dự án tại Thái Bình được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty cổ phần sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF) có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000ha. Trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Cũng như các Dự án khác của TH, FVF sẽ sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.

Sản phẩm của Dự án được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) (chứng nhận EC 834-2007, EC 889-2008 của Châu Âu và USDA-NOP của Mỹ) theo hướng “5 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen... Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Bà Thái Hương chủ trương đưa khoa học công nghệ và khoa học quản trị vào để sản xuất hàng hóa đạt chuẩn quốc tế, làm thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ngay trên đồng đất Việt Nam. Như bà nói: “Để không chỉ phục vụ trong nước mà phải ra thế giới” Với chủ trương này tâm niệm làm thực phẩm sạch cho cộng đồng của bà trên đồng đất Thái Bình chắc chắn sẽ thành công.

Song song với việc triển khai các Dự án nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương dự kiến nghiên cứu mở các chợ nông sản, thực phẩm sạch trong nước và nước ngoài. Bà từng chia sẻ: “Chúng tôi chọn đương đầu với thử thách không phải để bước lên bục vinh quang mà là để được cống hiến, mang lại giá trị sống đích thực cho chính mình, cho gia đình và cho cộng đồng xã hội đã, đang bị hủy hoại sức khỏe từng ngày, từng giờ bởi chất độc hại được gieo rắc từ chính lòng tham con người”




Huyền Anh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/