Không xử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

14:17 | 21/06/2017
TTTĐ.VN – Đó là một trong các nội dung được nhấn mạnh tại Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua sáng nay (21/6), với 424 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm tỷ lệ 86,35% tổng số đại biểu.

Không xử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu


Không xử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Nghị quyết xác định nguyên tắc xử lý nợ xấu là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Nghị quyết nhấn mạnh, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017 gồm, nợ xấu được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trước ngày 15 tháng 8 năm 2017; được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, UBTVQH xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chịu trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.

Nghị quyết cũng bổ sung, cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án tại Điều 8. Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm; giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định của pháp luật…

Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 8 của Nghị quyết.

Nghị quyết được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.

Hạnh Nguyên

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/