Bài 10: Khởi nghiệp tinh gọn và bán hàng theo kiểu “kéo”

09:40 | 24/03/2017
TTTĐ.VN - “Tuổi không phải là điều kiện để khởi nghiệp mà là vốn. Vốn ở đây có 4 loại, gồm: Kinh nghiệm, kiến thức, thời gian và cuối cùng là tiền. Nếu bạn thiếu nguồn vốn nào thì hợp tác với người có nguồn vốn đó. Để hạn chế rủi ro, bạn nên chọn cách khởi nghiệp tinh gọn và bán hàng theo kiểu “kéo” - Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc thương hiệu mì Tâm Thủy chia sẻ.

Bài 10: Khởi nghiệp tinh gọn và bán hàng theo kiểu “kéo”

>> “Chắp cánh” cho giới trẻ khởi nghiệp xanh:
* Bài 1: Đầy đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa
* Bài 2: Nhiều cơ hội bứt phá
* Bài 3: Con đường nhiều chông gai
* Bài 4: Phải thay đổi khi chưa quá muộn
* Bài 5: Cần coi trọng xây dựng thương hiệu
* Bài 6: Ý tưởng táo bạo của cô gái 9X
* Bài 7: Không thể làm ồ ạt
* Bài 8: Cần tìm hiểu phân khúc khách hàng, tạo thị trường
* Bài 9: Nhiều nông dân “đổi đời” nhờ trồng rau hữu cơ


Giấc mơ về một nền nông nghiệp sạch

Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống sản xuất mì gạo, từ bé gái 8x Nguyễn Thị Thu Thủy đã mong muốn có một sản phẩm riêng. Tuy nhiên, tuổi trẻ chưa đủ các yếu tố để khởi nghiệp nên sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương, Thủy chọn cách đi làm thuê cho các công ty để tích lũy kinh nghiệm.


Bài 10: Khởi nghiệp tinh gọn và bán hàng theo kiểu “kéo”

Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc thương hiệu mỳ Tâm Thủy

Tháng 6/ 2016, Thủy cùng một người bạn khởi nghiệp với dòng sản phẩm mì gạo. “Tôi đã có một thời gian dài làm thuê cho các công ty và được trải nghiệm ở nhiều vị trí quản lí. Là người luôn quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, nhất là từ khi có con nhỏ, tôi thấy, thực phẩm công nghiệp có nhiều chất bảo quản. Khi dùng chất bảo quản, nhà sản xuất nào cũng nói những chất đó nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nếu bạn ăn một sản phẩm thì không sao nhưng trong một ngày bạn ăn 10 sản phẩm, liệu nó còn nằm trong ngưỡng cho phép không?. Cùng thời điểm này, xã hội rất bức xúc với vấn đề thực phẩm bẩn. Nên tôi nhận thấy, đây chính là thời điểm thuận lợi để mình khởi nghiệp” – Thủy chia sẻ.

Do hội tụ đủ mọi yếu tố nên con đường khởi nghiệp của Thủy thuận buồm xuôi gió. Chỉ trong 2 tuần Thủy hoàn thành sản phẩm và sau 3 tháng đã có một sản lượng bằng một đơn vị khác làm trong 1 năm. 6 tháng tiếp theo, một mình Thủy làm bằng một đơn vị có số lượng đại lí với 5 nhân viên SEO. Từ tháng thứ 9, Tâm Thủy xuất ra thị trường 30 tấn mỳ gạo/tháng và cung ứng cho các đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc. Ngoài mì gạo sạch, Tâm Thủy còn sản xuất thêm 3 dòng mì hữu cơ.

“Hiện tại, một số đơn vị đã đầu tư vào sản xuất mì hữu cơ nhưng họ vẫn gặp khó khăn về đầu ra, nên em đang tìm đầu ra cho phân khúc này” – Thủy chia sẻ.

Để có dòng sản phẩm sạch đưa ra thị trường, Thủy không bao giờ ép giá đối với người sản xuất. Cô cho rằng, ép giá nhà sản xuất thì sản phẩm của mình không đảm bảo chất lượng, bán không tự tin.

Hiện nay, số lượng người tiêu dùng hướng tới dòng sản phẩm sạch đang tăng lên. Đặc biệt, gần đây có những công ty, tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Họ đã quy hoạch được những vùng sản xuất nguồn nguyên liệu hữu cơ.

“Mặc dù diện tích để sản xuất thực phẩm hữu cơ còn khiêm tốn, nhưng với tôi đó là một sự khởi đầu tốt, hoàn toàn có thể mơ về một nền nông nghiệp sạch” – Thủy khẳng định.

Khởi nghiệp tinh gọn…

Mặc dù hội tụ đủ các điều kiện nhưng dòng vốn để khởi nghiệp hạn hẹp nên Thủy đã chọn cách khởi nghiệp tinh gọn và bán hàng theo kiểu “kéo”. Cô hợp tác với các làng nghề để giảm chi phí đầu tư cho sản xuất. Bởi theo cách nhìn nhận của Thủy, họ có kinh nghiệm trong sản xuất mà mình lại không phải thuê công nhân. Bán hàng theo kiểu “kéo” là nhu cầu thị trường cần bao nhiều thì mình đặt sản xuất bấy nhiêu. Thời gian đầu Thủy sản xuất theo kiểu thăm dò thị trường nên số lượng ít và đưa ra sản phẩm mẫu để “đong” thị trường. Như vậy sẽ không bị sai hoặc nếu có thì sẵn sàng sửa nhưng không ảnh hưởng đến vốn. Nếu ngay từ đầu bạn sản xuất ồ ạt, không có sản phẩm mẫu thì rủi ro rất cao, vì thị trường thay đổi liên tục.


Bài 10: Khởi nghiệp tinh gọn và bán hàng theo kiểu “kéo”
Sản phẩm của Tâm Thủy

Với Thủy, người kinh doanh không nên phụ thuộc hoàn toàn vào khách hàng mà phải có cá tính của mình. Ví dụ: Thị trường không ai đòi hỏi mì hữu cơ, nhưng xuất phát từ cảm nhận và mong muốn “vì sức khỏe giống nòi người việt” Thủy nghĩ sẽ phải sản xuất dòng sản phẩm này. Cô tìm hiểu thị trường và thấy, có một nhóm khách hàng phải nhập khẩu mì từ nước ngoài về dùng. Những người này không phải họ sính ngoại mà chất lượng sản phẩm của mình chưa đạt được yêu cầu. Vì vậy, khi dòng sản phẩm mỳ hữu cơ của Tâm Thủy ra đời đã được đông đảo khách hàng đón nhận. “Nhiều khách hàng gặp và nói: “Cảm ơn Thủy đã đưa ra dòng sản phẩm này”. Có đại lý chỉ sau 3 tháng tìm hiểu đã quyết định nhập hàng của em” - Thủy cho biết.

Tuy nhiên, do mắc về nguồn gạo nên số lượng mì hữu cơ ra thị trường của Tâm Thủy còn rất hạn chế. Giá một hộp mì hữu cơ 4 lạng hiện có giá 55.000 nghìn (đối với mỳ hữu cơ trắng và đỏ), còn lại mì hữu cơ đen sản xuất bằng gạo hữu cơ đen hoang dã là 70.000 hộp/4 lạng.

Theo Thủy, tuổi không phải là điều kiện để khởi nghiệp mà là vốn. Vốn ở đây có 4 loại, gồm: Kinh nghiệm, kiến thức, thời gian và cuối cùng là tiền. Nếu bạn thiếu nguồn vốn nào thì hợp tác với người có nguồn vốn đó. Để có được thành công, Thủy đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ nên: “mèo nhỏ, bắt chuột nhỏ”. Thành công sẽ là động lực để mình bước tiếp. Nếu khả năng ít, vốn ít mà mình khởi nghiệp ở quy mô lớn dễ thất bại, dễ làm bạn nản và việc khởi nghiệp rất khó thành công.

Ngoài ra, làm bất cứ việc gì cũng phải có tâm, bạn nên xác định xứ mệnh của một doanh nghiệp và phải phục vụ xứ mệnh đó. Ví dụ: Xứ mệnh của mỳ Tâm Thủy là cung cấp cho người tiêu dùng dòng mì gạo sạch. Đừng quá quan tâm đến đối thủ, mà nên chú trọng sản xuất ra dòng sản phẩm tốt hơn” - Thủy chia sẻ.

Đây là lý do tại sao Thủy lại lấy thương hiệu mỳ Tâm Thủy. Song song với việc bán sản phẩm sạch, Tâm Thủy luôn hướng tới môi trường. Toàn bộ bao bì, túi đựng sản phẩm của Tâm Thủy đều bằng giấy. Những dòng sản phẩm vùng quê buộc phải dùng túi nilong, Tâm Thủy kêu gọi mọi người hãy tái sử dụng sản phẩm đó.

Tháng 4/2017, Tâm Thủy dự kiến sẽ đưa ra thị trường dòng miến dong sạch và mì gạo vẫn là sản phẩm chủ đạo.


Ngoài mì gạo sạch, Tâm Thủy đang sản xuất 3 loại mì hữu cơ, gồm: Mì hữu cơ lức đỏ, mì hữu cơ gạo đen hoang dã và mì hữu cơ trắng.

Mì hữu cơ gạo đen hoang dã được sản xuất từ giống wildrice do công ty Viễn Phú cung cấp.


Gạo đen chứa 120 chất chống ôxi hóa, chỉ số đường huyết là 55 trong khi chỉ số 58 được coi là thấp cho người tiểu đường. Vì vậy, loại mì này có thể dùng cho người mắc bệnh tiểu đường và bệnh nhân ung thư.

Mì lức đỏ, được sản xuất từ nguyên liệu gạo lức đỏ, giống địa phương của Thừa Thiên Huế, trồng trong 5 tháng mới được thu hoạch, do tập đoàn Quế Lâm cung cấp. Gạo lức đỏ có lượng tinh bột thấp, rất tốt cho người tiểu đường và người ăn kiêng.





Diễm Quỳnh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/