Phát huy tiềm năng của du lịch làng nghề

09:30 | 24/03/2017
TTTĐ.VN - Hà Nội có 1.350 làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch như dệt Phùng Xá (Mỹ Đức), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), làng hương Xà Kiều (Ứng Hòa), làng làm rèn Đa Sỹ (Hà Đông)… Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, du lịch làng nghề ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn phát triển một cách tự phát và còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Nếu được khai thác tốt thế mạnh để phục vụ du lịch, chắc chắn các làng nghề sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Phát huy tiềm năng của du lịch làng nghề


Chưa tận dụng hết lợi thế

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển, điển hình là tổ chức thường niên Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Tuy nhiên, du lịch làng nghề vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, nguyên nhân được xác định là do nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, hạ tầng du lịch làng nghề chưa tương xứng, môi trường nhiều làng nghề bị ô nhiễm nặng, các sản phẩm của làng nghề còn đơn điệu…

Nhận định về việc phát triển du lịch tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), nghệ nhân nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang - một nghệ nhân nổi tiếng của làng nghề cho hay: “Du lịch làng nghề ở Hà Nội có tiềm năng rất lớn,
tuy nhiên thực tế thì du lịch làng nghề chưa thật sự được khai thác hiệu quả và phần lớn còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng tầm để trở thành các điểm đến hấp dẫn”.


Phát huy tiềm năng của du lịch làng nghề

Nghệ nhân ưu tú Nguyên Phương Quang hướng dẫn kĩ thuật đan cho người lao động


Lấy ví dụ tại ngay làng nghề mây tre đan Phú Vinh, anh Quang chỉ ra những hạn chế và yếu kém của du lịch làng nghề thể hiện ở chỗ làng nghề Phú Vinh chưa có một chiến lược phát triển dài hạn. Nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch các làng nghề còn thiếu và yếu, bản thân làng nghề chưa có kỹ năng khai thác, phát triển du lịch. Giá trị làng nghề, sản phẩm làng nghề tuy nhiều và phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế. Mặt khác, địa phương chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển làng nghề, trong khi cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ không bảo đảm cho du lịch. Môi trường làng nghề bị ô nhiễm, hệ thống thoát nước thải kém...

Thực tế, hiện nay các làng nghề chưa biết tận dụng hết các lợi thế nên chưa có hướng đi cụ thể cho phát triển du lịch làng nghề. Đại diện các hãng lữ hành cũng cho rằng, muốn đưa các hoạt động du lịch làng nghề vào các tour du lịch thì làng nghề phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí của du lịch.

Chị Trần Thị Thu Huyền, nhân viên điều hành du lịch của Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch 24 giờ cho hay: “Hầu hết các công ty lữ hành đều muốn đưa các làng nghề truyền thống vào tour du lịch của khách. Tuy nhiên hiện nay ở các làng nghề chưa đáp ứng phục vụ du lịch. Bởi lẽ, khi đến thăm quan du lịch tại các làng nghề, hướng dẫn viên không chỉ giới thiệu về sản phẩm mà còn giới thiệu cả không gian văn hóa làng nghề. Du khách ngoài việc thăm nơi sản xuất, thậm chí còn có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm, thưởng ngoạn phong cảnh làng quê, tìm hiểu phong tục tập quán, lễ hội của các vùng nông thôn”.

Chị Huyền cũng cho rằng, để đón du khách, hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại phải được đầu tư cùng những dịch vụ tối thiểu như hệ thống bãi xe phục vụ du lịch, khu ẩm thực phục vụ nhu cầu của du khách; hạ tầng kỹ thuật (hệ thống nội bộ, hệ thống cáp điện và thông tin liên lạc); hệ thống hạ tầng dịch vụ và du lịch (vệ sinh công cộng, các biển báo chỉ dẫn…); hạ tầng vui chơi giải trí, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, thu gom rác thải, hệ thống chiếu sáng; khu vực công trình, địa điểm dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng; khu vực thương mại giới thiệu và bán sản phẩm nghề truyền thống; khu vực bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống…

Nỗ lực tạo điểm nhấn

Phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống gắn với du lịch là câu chuyện được thành phố Hà Nội cũng như nhiều sở, ngành liên quan trăn trở suốt những năm qua. Nắm bắt được định hướng phát triển du lịch làng nghề, một số làng nghề đã nỗ lực cải thiện mọi mặt, từ sản phẩm cho tới dịch vụ nhằm làm hài lòng du khách. Đơn cử như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc…

Tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, các sản phẩm gốm luôn được cải tiến về mẫu mã, tạo dáng, có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Ngoài gốm sứ, Bát Tràng còn phát triển một số sản phẩm đặc sản ẩm thực của làng như món măng mực, xôi vò, chè kho, bánh chưng… Bên cạnh đó, Bát Tràng còn khéo léo khai thác yếu tố văn hóa, tâm linh, lịch sử từ các di tích Văn chỉ làng khoa bảng, đình, đền hay tổ chức lễ hội truyền thống để thu hút du khách.


Phát huy tiềm năng của du lịch làng nghề

Khách du lịch được tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm tại làng nghề gốm Bát Tràng


Còn tại làng lụa Vạn Phúc, chính quyền địa phương đặc biệt là tổ chức đoàn thanh niên đã tổ chức rà soát, thống kê các hộ kinh doanh, sản phẩm làng nghề tiêu biểu cũng như cơ sở phục vụ ăn uống, điểm di tích lịch sử, văn hóa để giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch. Bên cạnh đó, Vạn Phúc còn xây dựng bộ phận hỗ trợ du khách, thuyết minh viên, thiết lập đường dây nóng, đảm bảo vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan và hỗ trợ các hộ sản xuất đăng ký thương hiệu.

Để thúc đẩy du lịch làng nghề phát triển, TS Tôn Gia Hóa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, cần sự vào cuộc của nhiều bên. Trước hết, các làng nghề phải tự thân vận động và làm những việc cụ thể như xây dựng phòng trưng bày hoặc bảo tàng nhỏ của làng xã, giới thiệu về sản phẩm và quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng, xuất xứ của sản phẩm và sự thay đổi mẫu mã qua các giai đoạn, những câu chuyện xung quanh những sản phẩm của chính làng nghề mình.

“Trên thực tế, đã có một số làng nghề ở Hà Nội xây dựng thành công bảo tàng của làng xã, giới thiệu và trưng bày các sản phẩm làng nghề như: Bảo tàng nghề gốm cổ ở xã Kim Lan, Bảo tàng gốm tư nhân ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội)... Bên cạnh đó, các hiệp hội cần giới thiệu, quảng bá những mô hình phát triển du lịch làng nghề có hiệu quả, tổ chức những hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; tham gia các sự kiện: Hội chợ, triển lãm, thi tay nghề, tôn vinh nghệ nhân, các hoạt động văn hóa, lễ hội... nhằm tạo nên những dấu ấn vùng, miền đặc sắc thu hút khách du lịch”, TS Tôn Gia Hóa nhấn mạnh.

Rõ ràng, vấn đề tìm và ứng dụng hiệu quả các biện pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề ở nước ta đang là một vấn đề lớn, không chỉ cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý ngành du lịch, mà còn cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý văn hóa cùng nhiều ban ngành. Vấn đề phát triển, quảng bá du lịch làng nghề vốn đã khó, song việc gìn giữ bản sắc hay những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn rất nhiều. Do vậy, nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên đi vấn đề căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa quan trọng của dân tộc đó là các làng nghề.

Hy vọng, trong tương lai, du lịch làng nghề sẽ được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả để trở thành một trong những kênh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch ở các làng nghề truyền thống hứa hẹn sẽ giải quyết đáng kể công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và trên hết, phát triển du lịch làng nghề chính là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.




Thanh Tùng

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/