Cô gái 8X vượt qua thách thức, gắn bó với nghề y

17:40 | 25/09/2017
TTTĐ.VN- Ngô Thị Hương Giang đã trải qua một quá trình khởi nghiệp bằng nghề y không ít khó khăn tại Bệnh viện Tai- mũi- Họng Trung ương. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, ham học hỏi và tình thương con người, chị đã trở thành tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo.

Cô gái 8X vượt qua thách thức, gắn bó với nghề y

Đến nay, đã 7 năm cô gắn bó với nghề y. Ngô Thị Hương Giang, sinh năm 1987, tại Hải Phòng. Tốt nghiệp Trung học phổ thông, cô gái trẻ thi đỗ vào trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng. Sau đó, Giang lên Hà Nội học lớp chuyên khoa Tai- mũi- họng và xin vào làm việc tại Bệnh viện Tai- Mũi- Họng Trung ương. Tháng 5/2011, chị vào làm việc tại khoa cấp cứu của bệnh viện này.

Nhớ lại những ngày đầu tiên mới đi làm, chị Giang chia sẻ: “Lúc đầu mới nhận nhiệm vụ ở khoa cấp cứu, mặc dù được các cô, chú, đồng nghiệp tạo điều kiện, giúp đỡ nhưng mình vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì khi đó, mình còn bỡ ngỡ, chưa quen việc, bệnh nhân cấp cứu lại luôn là những ca nặng, đôi khi còn gặp trường hợp người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, nên rất nản. Tuy nhiên, lâu dần cũng thành quen và mình cảm thấy gắn bó với nghề”.

Công việc vất vả nhưng nữ điều dưỡng trẻ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và tròn vai của một thầy thuốc đối với bệnh nhân. Hiện nay, chị đang làm việc tại khoa Tai– Mũi- Họng trẻ em, Bệnh viện Tai– Mũi- Họng Trung ương.

Cô gái 8X vượt qua thách thức, gắn bó với nghề y

Điều dưỡng Ngô Thị Hương Giang (áo trắng) chăm sóc bệnh nhân


Chuyển về khoa trẻ em, công việc của chị còn gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi làm điều dưỡng vốn đã khó khi thường xuyên phải đối diện với người bệnh đang rất "khó ở", hơn nữa, bệnh nhân của chị lại là các cháu nhỏ. Những bệnh nhi còn quá nhỏ chưa tự ý thức được tình hình bệnh tật, lại hay khóc vì sợ hãi.

Nữ điều dưỡng chia sẻ: “Các cháu cứ nhìn thấy cán bộ y tế mặc áo trắng là khóc. Nghe các cháu khóc nhiều đến khi về nhà, đêm đi ngủ mình mơ thấy trẻ con khóc”.

Mỗi bệnh nhi mổ mũi xoang, mổ tai và cắt amydal, nạo VA sau khi phẫu thuật thường lưu lại bệnh viện một thời gian. Chị Giang cũng như các bác sĩ, điều dưỡng viên bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra các cháu để phát hiện ra những thay đổi, kịp thời điều trị.

Công việc chính của chị là tiêm, truyền thuốc, chăm sóc những bệnh nhân này. Không giống như người lớn, bệnh nhân nhi phải được chăm sóc đặc biệt hơn. Nữ điều dưỡng phải tìm cách làm sao để các cháu quên vết thương, bệnh tật. Chị như người mẹ hiền, đầy ắp yêu thương khi tiếp xúc với các cháu nhỏ.

Ở bệnh viện, điều dưỡng viên cũng như các cán bộ y tế đều phải chia ca túc trực ban đêm. Có những đêm nhiều ca bệnh được chuyển đến chị Giang và các nhân viên điều dưỡng. Nữ điều dưỡng luôn sẵn sàng túc trực tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh. Khó khăn, mệt mỏi là vậy nhưng nhìn thấy sự hồi phục của người bệnh, chị đã vượt qua tất cả và yêu cái nghề y đầy nhọc nhằn mà cao đẹp này.

Chị Giang luôn xem bệnh nhân như người nhà, dành nhiều tình cảm và thật lòng quan tâm đến họ. Ngoài chăm sóc sức khỏe thể chất, nữ điều dưỡng còn chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân. Đối với nữ điều dưỡng trẻ này, nỗi sợ lớn nhất khi làm nghề y là vô cảm với nỗi đau của bệnh nhân. Cũng có lúc chị mệt mỏi, căng thẳng nhưng nghĩ đến người bệnh, chị lại cố gắng hết sức.

Công việc chuyên môn bận rộn là vậy nhưng điều dưỡng Ngô Thị Hương Giang vẫn sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động tình nguyện. Chị rất thích làm thiện nguyện, nên hễ ở bệnh viện có chương trình nào, chị cũng xin tham gia. Những chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung; khám và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc tại Hà Nội, các tỉnh miền núi phía Bắc… hầu như có sự góp sức của chị.

“Làm công tác thiện nguyện, mình thấy rất vui vì góp một phần công sức nhỏ bé chăm sóc sức khoẻ cho bà con, đặc biệt là nhân dân vùng khó khăn. Đến tận nơi chứng kiến bà con còn thiếu thốn đủ đường, từ điều kiện vật chất, hiểu biết còn hạn chế trong việc chăm sóc sức khỏe, dẫn đến nhiều người bị bệnh mà không hề hay biết, mình thấy thương đồng bào. Mình sẽ cố gắng dành nhiều thời gian để đi đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, gần gũi hơn với bà con, giúp đỡ, sẻ chia bớt phần nào khó khăn cùng người dân”, nữ điều dưỡng bày tỏ.

Với những việc làm tốt của mình, Ngô Thị Hương Giang nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Đoàn cấp trên, Hội Thầy thuốc trẻ, Giám đốc Bệnh viện Tai- mũi- họng Trung ương...”.

Bình Minh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/