Bài 97: Siết chặt kỉ cương trong ngành giáo dục

11:50 | 21/05/2017
TTTĐ.VN - Trước khi bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước, Bác Hồ vĩ đại của chúng ta cũng từng là một nhà giáo. Có lẽ chính vì hoạt động trong ngành giáo dục, thấu hiểu nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng của những người truyền kiến thức cho đàn em nhỏ, tương lai của đất nước nên Bác rất coi trọng việc mở mang dân trí. Bác từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kì trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Bài 97: Siết chặt kỉ cương trong ngành giáo dục

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 96: Nâng cao chất lượng giáo dục bắt đầu từ nề nếp, kỉ cương


Bài 97: Siết chặt kỉ cương trong ngành giáo dục
Để việc học hành được nghiêm túc, hiệu quả thì "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con"... Ảnh minh họa

Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, bên cạnh giặc đói, giặc ngoại xâm thì giặc dốt là một mối nguy hại to lớn cho nước Việt Nam độc lập. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã nêu một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền Cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn, đó là “nạn dốt”. Người chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Người đã phát động phong trào Bình dân học vụ khi ra các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17 đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam; Sắc lệnh số 19 lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 định rằng việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền. Để phục vụ chiến dịch xoá mù chữ, Nha Bình dân học vụ được thành lập ngày 18/9/1945.

Không chỉ chăm lo gây dựng nền giáo dục, Bác còn dành thời gian động viên, khích lệ những em nhỏ trong lứa tuổi học hành. "Thư gửi cho học sinh" trong ngày 5/9/1945, ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập Bác viết: "Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Lời nhắn nhủ thiết tha đó của Cha già dân tộc chính là động lực lớn lao để biết bao nhiêu lứa giáo viên, học sinh miệt mài với từng con chữ trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, chiến tranh ác liệt, trong hầm hào tránh bom đạn. Dù phải sơ tán, dù thiếu ăn thiếu mặc, hiểm nguy, gian lao nhưng việc học hành chưa bao giờ bị đứt quãng.

Sự quan tâm bền bỉ của Người với việc dạy và học còn thể hiện ở việc Bác nhiều lần tới thăm các trường học, để lại nhiều lời dạy với ngành giáo dục và đặc biệt là bận trăm công ngàn việc nhưng nhiều mùa khai trường, Bác dành thời gian viết thư gửi tới các cháu học sinh với những lời nhắn nhủ đầy thương mến. Bản thân Bác cũng là người thầy đầu tiên truyền lý tưởng cộng sản, con đường cứu nước giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đến các thanh niên Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc. Các thế hệ học trò của thầy không những cùng thầy sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác còn là người nêu tấm gương sáng về việc học tập suốt đời khi từ là một người sinh trưởng trong gia đình Nho học, Bác không ngại khó ngại khổ, tự học ngoại ngữ để đi khắp năm châu bốn biển, học chữ quốc ngữ. Với Bác, việc học không khó khi trong lòng có quyết tâm và động lực.

Người còn nhìn xa trông rộng khi đúc kết: “Vì sự lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Để việc học hành được nghiêm túc, hiệu quả thì "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con". Dân tộc ta vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo” nhưng gần đây không ít sự việc cho thấy hình ảnh người thầy không còn được thiêng liêng, cao quý trong mắt học trò nữa. Một số giáo viên trẻ không giữ được hình ảnh mô phạm cần thiết khi đứng trên bục giảng, thậm chí liên tiếp những vụ giáo viên mầm non bạo hành học sinh gây nên sự hoang mang trong dư luận.

Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, tình thầy- trò với truyền thống tôn sư trọng đạo cũng là một nét đẹp làm nên nền văn minh, văn hóa dày dặn như phù sa sông Hồng. Siết chặt kỉ cương để thầy đúng là thầy, trò trở về vị trí của trò là việc làm cần thiết để việc dạy và học đạt kết quả cao nhất. Khi đó, việc dạy và học còn là việc truyền dạy nhân cách, tình yêu thương và đạo lí để làm người. Học không chỉ là học kiến thức mà còn là “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong công cuộc đi tìm lại nét văn minh Hà Nội xưa, phát huy truyền thống đến mãi sau này, xây dựng một lớp người Hà Nội mới với những phẩm chất mới trên nền tảng những giá trị xưa cũ văn minh, hiện đại, ngoài sự để tâm, kì công của gia đình thì nhà trường cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Những lứa học sinh, sinh viên, là chủ nhân tương lai của Hà Nội, góp phần làm nên gương mặt “Hà Nội những năm 2000” càng cần phải tích hợp những giá trị của cha ông để lại với văn minh tiên tiến trên thế giới, tạo dựng một nền tảng cho con cháu của chính họ mai sau.

(còn nữa)

Cẩm Tú

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/