Quá trình triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử: Những thay đổi tích cực tại các điểm di tích của Hà Nội

11:40 | 01/05/2017
TTTĐ.VN-Sau hơn một tháng triển khai hai bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) dành cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan của thành phố và bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, các điểm di tích, du lịch tâm linh của Thủ đô đã có những sự thay đổi lớn. Đáng mừng hơn, sự thay đổi này đến từ cả phía du khách và chính đội ngũ những người bảo vệ, phục vụ tại đây.

Quá trình triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử: Những thay đổi tích cực tại các điểm di tích của Hà Nội

Du khách hưởng ứng nội dung bộ QTƯX

Đầu tháng 4/2017, khá nhiều du khách nước ngoài, du khách từ miền Nam và các tỉnh lân cận tại Hà Nội do chưa biết về bộ QTƯX nơi công cộng của Hà Nội nên đã mặc quần đùi, áo cộc tay đến đền Ngọc Sơn. Khi được bảo vệ nhắc nhở và yêu cầu không được vào nơi đây, du khách tỏ ra khá bất ngờ. Đặc biệt khá nhiều du khách người nước ngoài, do quen với cách ăn mặc thoải mái vào mùa hè của phương Tây nên thường xuyên mặc quần đùi, áo sát nách, áo hai dây khi đi du lịch và cả khi đến các nơi tâm linh, đền, chùa.

Để khắc phục vấn đề trên và thực hiện chủ trương của UBND TP Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội đã thực hiện thí điểm việc thiết kế quần áo dài cho du khách và áp dụng thực hiện thử nghiệm tại đền Ngọc Sơn – di tích được nhiều du khách đến tham quan. Bắt đầu từ ngày 10/4, đền Ngọc Sơn đã cho may trang phục áo dài và hướng dẫn những du khách mặc trang phục không phù hợp được mượn. Bước đầu, việc làm này nhận được sự đánh giá cao từ phía du khách, góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp cho Thủ đô Hà Nội.


Quá trình triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử: Những thay đổi tích cực tại các điểm di tích của Hà Nội

Quá trình triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử: Những thay đổi tích cực tại các điểm di tích của Hà Nội
Du khách mượn áo choàng để mặc khi vào đền Ngọc Sơn

Ông Nguyễn Đức Vượng, Trưởng Phòng Quản lý di tích đền Ngọc Sơn cho biết, ban quản lý di tích đã chuẩn bị 100 bộ trang phục áo dài để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước. Du khách chấp hành quy định và hưởng ứng khá nhiệt tình. Phần lớn những khách mượn áo là những du khách tự do, do chưa hiểu phong tục, tín ngưỡng của người Việt khi đến những nơi thờ tự, tôn giáo nên họ mặc những trang phục khá thoải mái như quần đùi, áo hai dây, váy ngắn… Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 1070/SVHTT-QLDT gửi Sở Du lịch Hà Nội về vấn đề phối hợp thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Do đó, các du khách đi du lịch theo đoàn, theo tout đã được các hướng dẫn viên, các công ty du lịch nhắc nhở trước khi đến các khu di tích, điểm du lịch tâm linh.

“Trong những ngày đầu áp dụng việc mặc trang phục khi vào đền Ngọc Sơn, một số ít du khách quen ăn mặc quần áo ngắn thoải mái, ngại khoác áo choàng đi lễ nóng nực nên không khoác áo mà chỉ cầm trên tay. Ngay lập tức, đội ngũ bảo vệ đã nhắc nhở và yêu cầu du khách thực hiện đúng nội quy. Tuy nhiên, đa phần du khách đều rất thích trang phục áo choàng của đền Ngọc Sơn vì kiểu dáng đẹp, tinh tế và chất liệu thoáng mát. Số lượng 100 bộ trang phục đã đủ để phục vụ cho các đoàn du lịch”, ông Vượng nhấn mạnh.


Quá trình triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử: Những thay đổi tích cực tại các điểm di tích của Hà Nội
Nhân viên tại đền Ngọc Sơn hướng dẫn du khách mượn trang phục

Ban quản lý di tích đền Ngọc Sơn cũng đã cắt cử nhân viên luôn túc trực ở phía ngoài cửa để nhắc nhở, hướng dẫn những du khách vô tình mặc quá ngắn nơi mượn áo dài để khoác lên khi vào đền. Sau khi ra ngoài đền, du khách sẽ gửi trả lại áo cho Ban quản lý di tích... Khi được mượn áo, khách trong nước sẽ tự tin hơn khi vào tham quan, khách nước ngoài cũng có trang phục phù hợp với tập quán, tín ngưỡng của Việt Nam.

Ngoài đền Ngọc Sơn, Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội cũng sẽ tiến hành áp dụng tại một số di tích khác của Hà Nội như đền Bà Kiệu, Tượng đài Vua Lê (phố Lê Thái Tổ), di tích 48 Hàng Ngang, 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm… và nhân rộng tại tất cả các điểm di tích, du lịch tâm linh của Hà Nội. Các mẫu áo cũng được thiết kế không rập khuôn để phù hợp với tín ngưỡng của từng nơi thờ tự.

Một số khu di tích của Hà Nội chưa có áo choàng cũng đã có lực lượng bảo vệ đứng gác ngay cổng luôn nhắc nhở du khách không vào những khu vực nội tự nếu trang phục không phù hợp. Đồng thời, bảo vệ hướng dẫn khách thực hiện tốt văn minh nơi thờ tự, từ cách hành lễ, giữ gìn vệ sinh chung, không xâm phạm cảnh quan, không gian…

Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngày 25/4, Ban quản lý của Văn Miếu Quốc Tử Giám đã chọn các mẫu thiết kế và sẽ bắt đầu cho in, may. Trung tâm sẽ có hai mẫu trang phục dành riêng cho nam và nữ với một gam màu chung. Trên thân áo có in họa tiết, logo của Văn Miếu. Dự kiến, giữa tháng 5, Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ áp dụng việc cho du khách mượn áo. Ngay trước cổng Văn Miếu, một chiếc bảng song ngữ Việt - Anh in nội dung bộ QTƯX nơi công cộng đã được dựng lên, hướng dẫn khách tham quan thực hiện nếp sống văn minh khi đến nơi thờ tự.

Người phục vụ ứng xử văn minh

Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Nếp sống của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, để hai bộ QTƯX cho cán bộ, công chức, người lao động và bộ QTƯX nơi công cộng của Hà Nội thực sự đi vào cuộc sống, Sở VH&TT Hà Nội đã ban hành các công văn, chỉ đạo cụ thể đến các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về việc phổ biến hai bộ QTƯX đến cán bộ, nhân viên và người dân từ những việc làm cụ thể nhất.

Bên cạnh việc triển khai bộ QTƯX công chức, viên chức, các cán bộ đơn vị trực thuộc Sở phải có trách nhiệm nêu gương thực hiện bộ QTƯX nơi công cộng, tuyên truyền phổ biến cho người thân và những người xung quanh mình hiểu và thực hiện bộ quy tắc. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Văn hóa Kim Đồng, Nhà hát Chèo Hà Nội… phải quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện các nội dung trong quy định của bộ QTƯX.

Tại Bảo tàng Hà Nội (quận Nam Từ Liêm), cán bộ, nhân viên đều ăn mặc trang phục lịch sự, nữ mặc áo dài, nam mặc veston và hướng dẫn, tiếp đón du khách rất ân cần. Khi bộ QTƯX được ban hành, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức phổ biến các nội dung, ký cam kết thực hiện đối với tất cả cán bộ, nhân viên công tác tại Bảo tàng và đang dần trở thành nét đẹp văn hóa của cả cơ quan.


Quá trình triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử: Những thay đổi tích cực tại các điểm di tích của Hà Nội

Nội dung Bộ QTƯX nơi công cộng được niêm yết ngoài cổng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sau khi thành phố ban hành bộ quy tắc ứng xử, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phổ biến nội dung tới toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động; đưa vào sinh hoạt của Chi bộ và các đoàn thể. Các bộ phận tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp với du khách như thuyết minh, bảo vệ, bán vé, soát vé, vệ sinh... được tổ chức những buổi tập huấn riêng. Việc thực hiện quy tắc ứng xử, giữ gìn kỷ luật lao động là nội dung quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên.

Quá trình triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử: Những thay đổi tích cực tại các điểm di tích của Hà Nội

Tại cổng khu vực bán vé và soát vé Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, người bảo vệ và bán vé ân cần hướng dẫn du khách đọc những nội quy của bộ QTƯX được niêm yết trên tấm biển tại đó. Đối với các du khách ăn mặc áo ngắn, quần đùi không phù hợp, nhân viên nhắc nhở du khách bằng thái độ rất nhã nhặn.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/