Bài 114: Du lịch – Cơ hội và thách thức

09:29 | 08/07/2017
TTTĐ.VN - Ngoài tiềm năng về du lịch biển, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp, tiềm năng chưa khai thác của du lịch mạo hiểm, những hang động được cho là cảnh đẹp “như hành tinh khác” thuộc hàng Top điểm đến của thế giới, nhiều đầu bếp giỏi có thể nấu món ăn Việt Nam truyền thống độc đáo, món ăn châu Á tuyệt hảo… là những thế mạnh để Việt Nam có thể khai thác lâu dài và đổi “món” các sản phẩm du lịch.

Bài 114: Du lịch – Cơ hội và thách thức

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
Bài 113: Coi trọng nếp nhà


Bài 114: Du lịch – Cơ hội và thách thức
Việt Nam sở hữu khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp, những hang động được cho là cảnh đẹp “như hành tinh khác” thuộc hàng Top điểm đến của thế giới... chính là những lợi thế cũng như tiềm năng của ngành du lịch nước nhà.

Tuy nhiên, công tác xúc tiến du lịch nước ta vẫn chủ yếu dựa vào 2 hình thức truyền thống, đó là: Tham gia các hội chợ quốc tế về du lịch tổ chức thường niên ở nước ngoài... hay phối hợp với những cơ quan quản lí về du lịch của các nước tổ chức các sự kiện như Ngày Việt Nam ở Pháp, Ngày Việt Nam ở Mỹ hoặc tận dụng các hoạt động khác về văn hóa, ngoại giao…

Đại diện nhiều đơn vị lữ hành bày tỏ quan điểm, sau bao nhiêu năm làm công tác xúc tiến, vẫn chỉ thấy ngành du lịch đi theo một lối mòn, loanh quanh ở việc in tờ rơi, tập gấp để phát hoặc trưng bày một số đặc sản tại các hội chợ, hội nghị thương mại, du lịch ở nước ngoài. Chúng ta vẫn định hướng thị trường, quảng bá theo kiểu chung chung với cách thức nghèo nàn cả về sản phẩm và nội dung nên chẳng có tác dụng nhiều để "kéo khách đến nhà".

Trong khi đó, tận dụng nghệ thuật sử dụng hình ảnh và ánh sáng của điện ảnh và hình ảnh của những nhân vật có tầm ảnh hưởng thế giới để giới thiệu cảnh sắc, điểm đến, sản phẩm du lịch- đó là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng để tạo những bước phát triển nhảy vọt cho ngành công nghiệp không khói.

Khi xem cảnh đẹp trên phim hay đọc báo, xem trên truyền hình thấy các vị chính khách lớn ăn các món đặc sản trong các chuyến công du, khán giả không tránh khỏi ý nghĩ muốn tới địa danh đó để ngắm tận mắt, được nếm thử mùi vị những món ăn độc đáo đó.

Từ nhu cầu này, nhiều công ty du lịch thiết kế nhiều hành trình theo dấu các nhân vật chính của những bộ phim đình đám và giới thiệu các món ăn mà các vị chính khách đã sử dụng khi đặt chân đến nơi đây. Đặc biệt, những điểm đến và quốc gia xuất hiện trong các bộ phim đều được công chúng yêu thích thì ngành du lịch càng tăng trưởng theo cấp số nhân.

Nhờ hình ảnh xuất hiện trên nhiều tờ báo Mỹ về hang Sơn Đoòng mà địa danh này đã ngay lập tức trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài, thu về hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm cho tỉnh Quảng Bình. Mới đây, Quảng Bình vinh dự đón nhận kỉ lục hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới từ Liên minh kỉ lục thế giới và từ Hiệp hội kỉ lục thế giới.

Tuy nhiên, bài học phát triển du lịch di sản cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần bàn. Dù khẳng định phát triển du lịch văn hóa là hướng đi đúng đắn nhưng thực tế, hoạt động này cũng đã tác động không nhỏ đến di sản, thậm chí còn khiến di sản xuống cấp, biến dạng. Vịnh Hạ Long từng bị UNESCO cảnh báo rút danh hiệu vì sự tác động quá mức của con người, khiến môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái biển và quá trình bảo tồn di sản lâu dài. Điều đó cho thấy đang có sự xung đột giữa khai thác và bảo tồn di sản. Ranh giới giữa làm du lịch đại trà và tàn phá di sản nhiều khi rất mong manh, đòi hỏi cơ quan quản lí hết sức tỉnh táo để không rơi vào bẫy đầu tư.

Chúng ta không thể cứ ngồi chờ người ta đến với mình mà không dọn sẵn cỗ, cũng như chỉ dựa vào những thắng cảnh có sẵn như Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, các bờ biển miền duyên hải mà quên mất chuyện bảo vệ môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng, cảnh quan bị tàn phá, nạn chặt chém, nhiễu nhương, ăn xin, chèo kéo, ăn cắp, cướp giật, du lịch mạo hiểm xảy ra một số vụ tai nạn cho du khách nước ngoài...

Thời gian qua đã có nhiều cuộc họp bàn tìm giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội, để hút du khách đến với Hà Nội. Tuy hàng năm, mức tăng trưởng khách du lịch của Hà Nội đạt trên 10% nhưng du lịch Thủ đô chưa tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách. Chất lượng các sản phẩm du lịch chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố tự nhiên, sẵn có, manh mún mà chưa được quy hoạch, tôn tạo, chưa khai thác hết thế mạnh của mình.

Tiến sĩ Đỗ Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: “Sức hấp dẫn của điểm đến là yếu tố quyết định sự thành công của điểm đến. Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khách, giữ gìn cảnh quan môi trường, ứng xử văn minh thì Hà Nội cũng cần xây dựng sản phẩm tạo thương hiệu và đa dạng hóa một số sản phẩm du lịch như xây dựng thêm các hoạt động vui chơi giải trí về đêm nhằm thu hút du khách”.

(còn nữa)



Duy Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/