Bài 113: Coi trọng nếp nhà

17:41 | 03/07/2017
TTTĐ.VN - Trong nhiều gia đình Hà Nội, việc giữ nếp nhà luôn được các thế hệ tuân thủ, tự giác và coi đó là mực thước.

Bài 113: Coi trọng nếp nhà

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch
Bài 112: Tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt


Trải suốt hàng trăm năm, Hà Nội trải qua nhiều biến cố lịch sử, chiến tranh và những xáo trộn trong đời sống xã hội nhưng những nếp cũ vẫn còn rất đậm nét.

Đặc điểm đầu tiên tạo nên văn hóa Hà Nội, một đô thị xưa là mỗi ngôi nhà đều chỉ có một chủ, cho dù đó là những gia đình “tam đại hay tứ đại đồng đường”. Vì mỗi nhà mỗi chủ cho nên nếp nhà được gìn giữ phù hợp với gia cảnh. Hà Nội có những phố của người khá giả, cũng có những phố của người trung lưu hay những phố nghèo, rồi có khu lao động. Ngay mỗi phố cũng có nhiều hạng người có gia cảnh khác nhau về tài sản, thân phận hay nghề nghiệp... sống xen kẽ với nhau. Quan hệ hàng phố nói chung được gìn giữ do quan niệm “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau” của người Việt thôn quê trước khi trở thành thị dân.


Bài 113: Coi trọng nếp nhà
Câu cảm ơn, xin lỗi được cho là khuôn phép, nề nếp, chuẩn mực trong cách cư xử, trong từng lời ăn tiếng nói...

Với mỗi nhà, quan hệ láng giềng luôn được coi trọng đôi khi trở nên thân tình như người nhà, chính là môi trường để mỗi gia đình giữ được “nếp nhà” của mình trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của mỗi gia cảnh. Ngày ấy ít có sự đố kị và đầy ắp sự bao dung nên trong gia đình, sự giáo dục luôn hướng về cái thiện.

Trong mỗi gia đình, dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau ngay trong bữa ăn tạo nên những nguyên tắc “trên kính, dưới nhường”. Người ngoài nhìn vào dễ cho là khách sáo, hình thức nhưng những thành viên trong gia đình thấy rất tự nhiên.

Những phẩm chất ấy có được là do sự giáo dục chặt chẽ trong gia đình, một nền giáo dục cần phát huy trong nếp sống mới hôm nay. Ý thức sâu sắc về danh dự và lòng tự trọng luôn nhắc nhở mọi người sống tử tế, đứng đắn, không làm điều xấu ảnh hưởng đến gia phong. Câu cảm ơn, xin lỗi được cho là khuôn phép, chuẩn mực trong cách cư xử, trong từng lời ăn tiếng nói.

Thời hiện đại, nền kinh tế thị trường, nhiều gia đình giàu có lên, khi đồng tiền lên ngôi, lối sống người Hà Nội trở nên phức tạp hơn, nhiều giá trị văn hóa, giá trị đạo đức đảo lộn, thậm chí xuống cấp. Điều đó đã làm cho những người hoài cổ bi quan lo lắng, nhiều người lại ao ước muốn quay về lối sống, với nếp sống xưa.

Gần đây, thành phố có chương trình xây dựng văn hóa người Hà Nội văn minh thanh lịch. Cuộc sống người Thủ đô, bên cạnh kinh tế phát triển, là đời sống tinh thần phong phú, là gia phong trong mỗi gia đình được giữ vững. Mỗi người luôn hướng đến cách sống nhân hậu, bao dung, tử tế và mến khách…

Len lỏi trong các phố cổ của Hà Nội còn nhiều gia đình rất đỗi bình thường của Hà Nội vẫn giữ được nếp nhà xưa. Ví dụ như gia đình cụ Ngô Thế Chiện (phố Phùng Hưng), gia đình ông Phạm Giao (số 115 Hàng Bạc), gia đình ông Hoàng Văn Nghị - bà Dương Thị Son (tổ 11, phường Thạch Bàn, quận Long Biên)...

Theo ông Ngô Thế Phổ (con trai trưởng của cụ Ngô Thế Chiện), bố ông đã 93 tuổi. Những khi rảnh rỗi, lúc trà dư tửu hậu, ông thường đàm đạo với bố về dòng họ, về quê hương và về ông nội… Ông quan niệm, cây có gốc, có rễ chắc chắn, cành và ngọn mới phát triển xum xuê. Gia đình là tế bào của xã hội, nếp nhà trong mỗi gia đình mà giữ được sẽ làm cho xã hội trật tự và đi đúng hướng hơn, tình cảm giữa con người với nhau sẽ đằm thắm hơn. “Tôi vẫn hay cho các cháu nội, ngoại xem ảnh của các cụ thời còn trẻ. Trẻ con nhìn vào ảnh đen trắng thời xưa thì thích thú lắm. Chúng chủ động hỏi, nhiều khi chỉ những câu “đây là ai hả ông?” và tôi kể chuyện, kể về truyền thống rồi thành tựu và quay sang nhắc nhở con cháu. Tôi coi đó là một hình thức giáo dục, răn dạy con cháu hiểu hơn về nếp nhà xưa” - ông Phổ cho biết.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Dục (SN 1946) ở tổ dân phố số 9, phường Phúc La được nhiều người dân sở tại biết và cảm phục, ngợi khen ông là một đảng viên tích cực, tận tâm với công việc, một trong những tấm gương điển hình về việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Không những vậy, gia đình ông còn là một Gia đình Văn hóa tiêu biểu nhiều năm của phường Phúc La và của quận Hà Đông.

Đối với ông Dục, việc giữ gìn nếp nhà và phát huy các giá trị truyền thống trong gia đình là việc làm cần thiết. Ông luôn tâm niệm phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng bản thân và giáo dục con cháu phải không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức, lối sống, duy trì sự thống nhất trong gia đình, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các thành viên trong gia đình cần phải quan tâm và giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Nhờ có sự hòa thuận, đồng cảm và sẻ chia giữa các thành viên trong gia đình nên không khí trong gia đình ông luôn vui vẻ và đầy ắp tiếng cười...



Khánh Vy

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/