Bài 143: “Gieo mầm” tự giác để có “quả ngọt” văn minh

08:19 | 19/09/2017
TTTĐ.VN - Sự lộn xộn tranh cướp lộc trong các lễ hội đầu năm đã không còn là chuyện hiếm. Câu chuyện về thương binh bị nhóm thanh niên hành hung dã man sau va chạm giao thông hay một người tốt bị người quen của nạn nhân đâm trọng thương sau khi giúp đưa người bị tai nạn giao thông vào viện… khiến dư luận bức xúc. Cuối tháng 6/2017, cộng đồng mạng và nhiều tờ báo đưa tin về việc một nam thanh niên ngoại quốc bị đánh chảy máu mũi trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội chỉ vì một va chạm giao thông rất nhỏ...

Bài 143: “Gieo mầm” tự giác để có “quả ngọt” văn minh

>> Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch:
Bài 142: Biến việc phi thường thành bình thường


Những sự việc trên cho thấy thực trạng, cách xử sự thiếu văn hóa, sự xuống cấp về đạo đức cũng như sự coi thường pháp luật đang tồn tại trong một bộ phận xã hội hiện nay.

Tuy nhiên, bức tranh không chỉ có một màu xám. Hành động đẹp của một cậu học sinh do vô tình làm vỡ gương xe ô tô đã để lại lời xin lỗi dán trên xe và nhận trách nhiệm về việc làm của mình… đã khiến rất nhiều người phải tự ngẫm nghĩ lại cách ứng xử. Mới đây, một tân sinh viên trường Sỹ quan Chính trị, quê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) nhặt được chiếc ví có rất nhiều tiền mặt, hoa tai, điện thoại và giấy tờ cá nhân đã mang toàn bộ tài sản giao nộp cho Công an phường Yên Nghĩa. Chỉ một lúc sau, chủ nhân của chiếc ví đó đã đến nhận lại. Người phụ nữ đó đã tìm đến nơi trọ của cậu sinh viên kia cảm ơn thì được biết gia cảnh nhà em rất nghèo khó...


Bài 143: “Gieo mầm” tự giác để có “quả ngọt” văn minh
Tin rằng, nếu chúng ta “gieo mầm” tự giác thì sẽ có thể thua hoạch được “quả ngọt” văn minh. Ảnh minh họa.

Đó là những màu hồng cần được tô đậm và nhân rộng. Những hành động này tuy nhỏ nhưng rất đáng trân trọng bởi không nhiều người dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, về cách ứng xử của mình, hoặc nảy sinh lòng tham.

Rõ ràng là hành vi ứng xử của mọi người nơi công cộng thể hiện văn hóa của bản thân người đó và văn hóa cộng đồng, văn hóa xã hội. Trong một xã hội hiện đại, văn minh, tiến bộ thì những hành vi ứng xử vô văn hóa phải bị xử lí nghiêm và nhân rộng những hành động đẹp mang tính nhân văn.

Chính vì vậy, ngay sau khi ban hành Bộ Quy tắc ứng xử cho công chức, viên chức trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày từ đầu năm 2017, Sở VH-TT Hà Nội tiếp tục đưa ra Dự thảo quy tắc ứng xử nơi công cộng để lấy ý kiến của người dân. Dự thảo đã nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đại đa số người dân...

Sinh viên Hoàng Thu Trang, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ: "Việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng này là một việc rất cần thiết. Thứ nhất là nâng cao được ý thức của người dân. Thứ hai là xây dựng một Thủ đô "sạch, đẹp" trong con mắt du khách nước ngoài.

Bác Lưu Trọng Lâm sống trên phố Hàng Bồ nêu ý kiến: "Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng là rất cần thiết. Gia đình tôi sống nhiều năm ở Thủ đô, trước kia thấy mọi người đối xử với nhau dù là xa lạ vẫn nặng tình, nặng nghĩa. Trong khi bây giờ thì hai hộ dân ở sát vách có khi cũng kèn cựa nhau từng chỗ dựng xe máy. Dường như lớp trẻ bây giờ giảm đi rất nhiều sự kính trọng người già".

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư kí Hội Xã hội học Việt Nam bày tỏ: "Những hành động tốt đẹp, những cách cư xử chuẩn mực giữa người với người trong xã hội đang bị thiếu vắng".

Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng cùng với Bộ Quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức tại Thủ đô là sự kì vọng, nhằm xây dựng một xã hội văn minh, tự hào với bạn bè năm châu, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp. Cụ thể hơn là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân Thủ đô kỉ cương, trách nhiệm, tận tình và thân thiện. Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng sẽ sớm được ra đời để kịp thời chấn chỉnh những hành vi không đẹp mắt còn tồn tại.

Bản Dự thảo Quy tắc ứng xử đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân vì các điều trong Dự thảo quy tắc này không mang tính áp đặt, chỉ mang tính định hướng, tuyên truyền, hướng mọi người đến hành vi ứng xử tốt đẹp nhiều hơn.

Đã gọi là văn hóa ứng xử thì đó phải là những ứng xử đẹp, lịch sự, văn minh. Ví như: Nói chuyện phải nói nhỏ nhẹ, duyên dáng, có học thức; chứ không phải mở miệng ra là chửi thề rồi chỉ trích hoặc nói xấu người này, người kia; vứt rác thì phải vứt đúng nơi, đúng chỗ chứ không thể tiện đâu vứt đó, cứ tiện cho mình, sạch cho mình là được, còn xung quanh có ra sao cũng mặc kệ...

Kì thực, “văn hóa ứng xử” không thể đem ra cân, đong hay đo, đếm và cũng không hẳn tỉ lệ thuận với trình độ học vấn của con người. Nó chủ yếu là do trình độ nhận thức và sự quan tâm hướng dẫn, giáo dục của những người trong gia đình và nhà trường, xã hội.

Rõ ràng, để Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng thực sự đi vào đời sống người dân thì không chỉ dựa vào sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng mà còn cần sự ý thức của mỗi người. Tin rằng, nếu chúng ta “gieo mầm” tự giác thì sẽ có thể thua hoạch được “quả ngọt” văn minh.


(còn nữa)

Duy Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/