Câu chuyện xúc động về tình mẫu tử “Trong ngôi nhà của mẹ”

15:18 | 07/03/2017
TTTĐ.VN- Trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, một cuốn sách xúc động về tình mẫu tử mà nếu ai chưa biết thì nên đọc. Đó là cuốn “Trong ngôi nhà của mẹ” do nhà văn Nguyễn Quang Thiều chấp bút.

Câu chuyện xúc động về tình mẫu tử “Trong ngôi nhà của mẹ”

Câu chuyện xúc động về tình mẫu tử “Trong ngôi nhà của mẹ”


Cuốn sách đã được xuất bản hồi cuối năm 2016, nhưng đến hôm nay, những câu chuyện về tình mẫu tử trong cuốn sách vẫn rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Nhớ lại hôm ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bảo, đây là cuốn sách ông chấp bút theo lời kể của một người bạn ông ở làng Đa Sỹ (Hà Đông – Hà Nội). Cuốn sách như một cách tưởng nhớ đến một người mẹ đã suốt một đời sống trong cô đơn, đói khổ, sợ hãi, bệnh tật nhưng luôn ngập tràn tình yêu thương, luôn mơ ước một tương lai tốt đẹp cho những đứa con mình.

Câu chuyện về người mẹ khổ đau ấy đã được những người con của bà - con gái Trịnh Thị Cúc và con trai Trịnh Văn Sỹ kể lại cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều nghe.

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Quang Thiều “chấp nhận” viết một cuốn sách như thế. Trước đó, ông chỉ viết thơ, truyện ngắn, tản văn.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Tôi viết cuốn sách này theo lời kể của một người bạn trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông - anh Trịnh Văn Sỹ. Anh kể về người mẹ của mình, một người mẹ luôn sống trong đau khổ, sợ hãi và cô độc. Trong ngôi nhà của Mẹ con anh cách đây gàn 50 năm lúc nào cũng đói rét, cũng ngập tràn bóng tối và nỗi sợ hãi: sợ hãi những người đang sống quanh họ và sợ hãi những hồn người đã chết thi thoảng hiện về gọi họ trong đêm. Người Mẹ ấy giã từ thế gian khi còn rất trẻ. Cả khi về thế giới bên kia, người Mẹ ấy vẫn sống trong sợ hãi, cô độc và thương nhớ khôn nguôi hai đứa con mồ côi bé bỏng của mình".


Câu chuyện xúc động về tình mẫu tử “Trong ngôi nhà của mẹ”
Sách do NXB Trẻ ấn hành


Theo Nguyễn Quang Thiều, ông đã ngồi nhiều đêm để nghe anh Trần Văn Sỹ kể lại những câu chuyện của gia đình anh. Lúc đầu, cũng chỉ định ghi chép lại cho những người thân cho gia đình. Nhưng càng nghe, ông càng nhận ra những câu chuyện riêng tư bé nhỏ ấy có sức cuốn hút và vẻ đẹp riêng. “Tôi nhận ra một sự thật: Sự thật về niềm xúc động vô bờ và sự thiêng liêng lớn lao của tình mẫu tử, sự thật về mối liên hệ tâm linh giữa những người đã khuất và những người đang sống, sự thật về sức mạnh để con người vượt qua nỗi sợ hãi, sự thật về lòng biết ơn của một con người đối với những người khác trên cuộc đời này…”, nhà văn cho biết.


Chia sẻ về cuốn sách đặc biệt trong đời văn của mình, nhà văn Nguyễn Quang Thiều khẳng định, ông đã viết lại câu chuyện đó một cách trung thực với sự trân trọng, tôn kính. Không có chi tiết nào bị nhào nặn để phục vụ dụng ý của nhà văn.

“Mỗi lần anh Sỹ kể về mẹ mình lại làm tôi nhớ đến mẹ tôi. Chính vì những điều đó mà tôi đã tự nguyện viết cuốn sách này cho anh Sỹ. Bởi những gì anh Sỹ nghĩ về mẹ mình, thương nhớ mẹ mình và làm cho mẹ mình sau khi bà đã mất đã để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt. Hơn nữa, tôi nhận ra rằng: câu chuyện về một gia đình nhỏ bé ở một làng quê nhỏ bé lại chứa đựng những điều lớn lao về kiếp người và về đạo làm người", nhà văn Nguyễn Quang Thiều tâm sự.

Trong khi đó, anh Trịnh Văn Sỹ chân thành: "Tôi kể lại câu chuyện về gia đình tôi trong ngôi nhà bình dị như muôn vàn ngôi nhà trên xứ sở này. Tôi kể lại những câu chuyện đó một cách trung thực không phải để chị em tôi lại đói rét thêm một lần nữa, lại đau thương thêm một lần nữa, lại sợ hãi thêm một lần nữa mà để thấy rằng không đói khát nào có thể nhấn chìm tình yêu thương của con người, không sợ hãi nào có thể nhấn chìm khát vọng của con người và không có đe dọa nào có thể nhấn chìm ý chí sống của con người. Và cũng để nói rằng cho dù ở trong bất cứ một điều kiện nào, con người vẫn có thể vượt qua số phận buồn đau và có lúc tuyệt vọng của họ".

Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, cuốn sách “Trong ngôi nhà của mẹ” có nhiều đoạn, nhiều chi tiết xúc động. "Đoạn nhân vật tôi làm giỗ đầu cho bà mẹ đã buộc tôi phải dừng lại 1 ngày sau đó mới đọc tiếp... Vì nhà quá nghèo... như anh ấy kể ở trang trước nhà anh ấy có 4 thành viên chứ không phải 3 đó là bà mẹ, chị Cúc, nhân vật tôi - anh Sỹ và 1 con chó. Anh ấy không kể rõ, nhưng tôi từng sống ở nhà quê thì tôi thích cái nền trong ngôi nhà quê, nhà cổ truyền 3 gian, 2 trái, đất nền. Lúc đó, chắc là 2 chị em bàn nhau là phải làm thịt con chó, giết nó để làm cơm giỗ đầu mẹ, thì con chó nó nghe được. Lúc anh Sỹ vào bắt nó thì nó chui xuống gầm phản.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều giỏi ở chỗ khiến tôi phải dừng lại, anh ấy đặc tả chi tiết con chó nó bám chân vào nền móng của nền nhà, nó không muốn ra khỏi cái gầm phản ấy, tôi đã xúc động. Một câu chuyện ám ảnh về những người đàn bà ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đây là một cuốn tự truyện không hư cấu nhưng đủ sức mạnh...", họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/