Kim thiếp vũ môn: Không chỉ là cuốn sách “góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du”

15:08 | 05/05/2017
TTTĐ.VN- Ngày 5/5, tại Hà Nội, NXB Văn học phối hợp với Khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn tổ chức buổi tọa đàm “Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử” xoay quanh cuốn tiểu thuyết lịch sử “Kim thiếp vũ môn” của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh.

Kim thiếp vũ môn: Không chỉ là cuốn sách “góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du”

Kim thiếp vũ môn: Không chỉ là cuốn sách “góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du”


Tác phẩm “Kim thiếp vũ môn” được tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh viết và in lần đầu cách đây khoảng 2 năm.

Trong lời đầu sách, tác giả viết: Khi nói đến trí tuệ, văn minh phương Đông, thiên hạ hay nhắc đến bốn phát minh vĩ đại nhất - gồm có la bàn, làm giấy, nghề in và thuốc súng. Nhờ có thuốc súng, nhiều dân tộc đã chế ra được các hỏa khí như hỏa tiễn, hỏa pháo rồi đến súng thần công. Vào đầu thế kỷ 15, nhà Minh Trung Hoa đã có trong tay một loại súng gần như súng hỏa mai mà họ gọi là Thần Cơ Thương - tức súng thần, mạnh hơn cung kiếm, đánh cho quân Tacta thua tơi tả. Đây là một phát minh thần kỳ, làm thay đổi lịch sử chiến tranh của nhân loại. Sách “Minh Sử” của Trung Hoa chép: “Minh Thành Tổ đánh Giao Chỉ, chiếm được phép chế Thần Cơ Thương Pháo, đặt riêng Thần Cơ Doanh luyện tập”. - Minh Thành Tổ chiếm Giao Chỉ năm 1407. "Đại Việt sử ký toàn thư" tả trận đánh năm Canh Ngọ 1390 đời Trần: “Trần Khát Chân liền ra lệnh các Hỏa súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Chế Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết"... Như vậy, người Giao Chỉ, tức người Việt, đã sáng tạo ra súng thần cơ ít nhất là cuối thế kỷ 14, cuối đời Trần. Nhà Minh đã giấu kỹ bí kíp Thần cơ đã chiếm đoạt được của nước Việt. Nhưng rồi nó cũng bị rò rỉ sang phương Tây qua các cuộc chiến với Tacta. Cho nên hơn năm chục năm sau, vào nửa cuối thế kỷ 15, người Ottoman, rồi người Bồ Đào Nha mới học được cách chế tạo khẩu súng hỏa mai (matchlock musket) đầu tiên. Rồi từ đó phương Tây phát triển tiếp bao nhiêu loại vũ khí cho đến ngày nay.

Tiếc thay, các vương triều cầm quyền nước Nam xưa thường vẫn có truyền thống ngưỡng mộ, sùng bái đạo thánh hiền, chỉ chăm chú vào thi thư lễ nghĩa, tầm chương trích cú, mà vùi dập, coi thường tài năng của dân Việt, cho nên những sáng tạo của người Việt cũng lụi tàn theo thời gian. Còn sử sách nước Việt cũng không chép lại. Quyển sách này cố chép lại những điều mà chính sử đã quên lãng đó…”.


Kim thiếp vũ môn: Không chỉ là cuốn sách “góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du”

GS.TS. Trần Ngọc Vương phát biểu

Lần xuất bản này tác giả đã viết lại hồi 1 và hồi 2, bổ sung thêm hồi 34, còn lại vẫn giữ nguyên như cũ. Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh cũng thừa nhận, “khi viết quyển sách này người viết đã phải nhờ cậy vào không biết là bao nhiêu tác phẩm, tài liệu, bài viết, gia phả, thần phả.. của người đi trước cũng như của người đương thời”.

TS. Nguyễn Anh Vũ- Giám đốc NXB Văn học cho rằng, “dù rằng tác giả có nói rõ quyển sách này chỉ là để “góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du” nhưng chúng tôi nghĩ không nhất thiết chỉ kẻ sĩ mới có thể là độc giả của quyển sách này. Sẽ dễ dàng trả lời hơn cho nhận xét này không phải từ ngay những trang đầu mà là khi đã đọc hết đến những trang cuối cùng. Đây là một tiểu thuyết lịch sử đặc biệt theo dạng luận đề. Quyển sách này nhắc cho hậu thế về những thân phận con người, về số phận bi hùng của những hào kiệt, những anh tài luyện thép, đúc súng của đất Việt trong thăng trầm của lịch sử”.

TS. Nguyễn Anh Vũ cũng thẳng thắn thừa nhận: Không dễ đọc những trang viết ở “Kim thiếp vũ môn” nếu đọc nó như đọc một quyển tiểu thuyết bình thường. Vì chưng đây là một quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo một tiền lệ nào cả, nhưng mỗi câu chữ, mỗi chương, mỗi hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết, là kiếm hiệp, là trinh thám mà còn nhiều hơn thế, là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời... Và hy vọng nó cũng sẽ gửi đến cho độc giả không chỉ có văn chương mà còn những chiêm nghiệm khác ngoài văn chương”.

Tại buổi tọa đàm, GS. TS. Trần Nho Thìn cũng thừa nhận đây là cuốn sách không dễ đọc. Ông đã đọc qua một lần nhưng cũng chưa nắm bắt được đầy đủ. Tuy nhiên, GS. TS. Trần Nho Thìn cho rằng, tác giả có những suy nghĩ táo bạo, mới mẻ. Nhiều suy nghĩ tạo báo đó cần được mổ xẻ, bàn bạc một cách thẳng thắn và khoa học. Bởi ngoài viết văn, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh còn là một nhà khoa học.

Trong khi đó, GS. TS. Trần Ngọc Vương không xem đây là một cuốn tiểu thuyết. Theo ông, “Kim thiếp vũ môn” là một giả thuyết khoa học được thể hiện thông qua hình hài một cuốn tiểu thuyết. Giả thuyết đó có liên quan đến những thành tựu của trí tuệ người Việt Nam và mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực.

Theo GS.TS. Trần Ngọc Vương, đọc cuốn “Kim thiếp vũ môn” thấy tác giả tỏ ra là người mẫn cảm với ngôn ngữ lịch sử, các từ ngữ được sử dụng rất kỹ lưỡng. Ông đã cân nhắc từng mẩu lịch sử để hiện lên những giả thuyết chính và giả thuyết phụ. Điều đặc biệt, theo GS Vương, đó là tác giả không lạm dụng tư liệu. Ông kết hợp giữa tư liệu với các chuyến đi điền giã thực tế, tìm lại những dấu tích xưa để lý giải trong sách.


Kim thiếp vũ môn: Không chỉ là cuốn sách “góp chuyện gẫu cho kẻ sĩ lúc nhàn du”

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh phát biểu tại tọa đàm

Tự nhận mình là người ngoại đạo của văn chương, tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh tâm sự: Tôi quê gốc ở Hà Tĩnh. Cha tôi vốn là một công trình sư thời Pháp thuộc, tham gia kháng chiến và là lãnh đạo xây dựng ngành giao thông vận tải trong hai cuộc kháng chiến, mẹ bị bom Pháp giết hại lúc chúng tôi còn nhỏ. Tôi được gửi vào Trường thiếu sinh, năm 1953 sang Lư Sơn, Trung Quốc từ khi mới hơn 10 tuổi, may mắn được hưởng sự giáo dục đầy đủ lúc nhỏ, lớn lên được đào tạo và làm việc ở nhiều cơ sở nghiên cứu lớn trên thế giới. Tôi nhận học vị Tiến sĩ rồi Tiến sĩ khoa học đều ở Đại Học Humboldt, Berlin, Đức, là Giáo sư mời (Visiting Professor) của một vài trường đại học ở châu Âu.

Từ trước đến nay, tôi chỉ làm việc trên giảng đường và phòng thí nghiệm, cho đến giờ vẫn đang cầm mỏ hàn, gõ bàn phím, dù rằng tôi là Viện trưởng, Chủ tịch HĐKH Viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị Khoa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam... Tôi có viết khoảng hơn năm chục công trình gồm sách và báo chuyên môn, bằng sáng chế.. chủ yếu bằng tiếng Anh, Đức, Nga…

Tôi là người nghiệp dư, viết tiếng Việt những vấn đề về xã hội, cuộc sống liên quan ít nhiều đến khoa học thì dùng tên thật là Trần Xuân Hoài. Bút danh Trần Gia Ninh được dùng khi viết những vấn đề ngoài khoa học, có thể kể vài công bố gần đây như: “Kim thiếp vũ môn”…

Hữu Thái

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/