Đàn gà ăn Tết

23:08 | 31/01/2017
TTTĐ - Đàn gà này được bà gây giống từ những quả trứng cố gắng dành dụm khỏi những cái mồm háu ăn của những đứa cháu. Sau nhiều ngày ấp, nở, chăm bẵm, vượt qua được bệnh dịch, đến lúc đàn gà trổ mã cũng là lúc lũ chúng tôi tranh nhau “xí phần”. Những con mái mơ, trống hoa mơ, mào cờ đẹp mã bao giờ cũng “có chủ” đầu tiên. Đôi khi hai ba đứa cùng tranh một con, cãi nhau kịch liệt, phải phân xử bằng vài bữa rửa bát, lau nhà hộ. Rồi đâu cũng vào đấy, mỗi đứa nhận khoảng gần chục con. Còn lại những con xâu xấu, be bé thì… là của bà.

Đàn gà ăn Tết


Nhận thế để mỗi đứa đều “có trách nhiệm” với gà của mình hơn. Chẳng hạn, nửa buổi khi thái khoai luộc cho gà ăn, thì gà của đứa nào đứa nấy ném cho miếng to hơn, ngon hơn. Không phải gà của mình thì chỉ được ăn vỏ, ăn đầu mẩu thôi. Rồi thái thân chuối, rau lang cho gà ăn, tất tật đều có sự “ưu tiên”.

Đàn gà ăn Tết


Khi hè đến, chúng tôi được nghỉ, dành toàn thời gian ăn chơi và chăm gà. Nhà gần cánh đồng, sáng sáng chiều chiều cả lũ ào ra câu nhái, những con nhái, đôi khi cả chẫu chàng béo mẫm, hai cái đùi to như đùi ếch mang nặng giỏ về đập sơ cho ngắc ngoải rồi cứ thế tung ra vườn. Đàn gà náo loạn, chạy theo những cú nhảy của nhái, vồ tán loạn. Như chúng tôi tranh gà, gà cũng tranh nhau nhái. Có khi hai con cùng cặp mỏ vào một con nhái, cứ thế giằng co, chẳng con nhào chịu nhả, khư khư như thế lôi nhau ra đến tận góc vườn rồi một con khỏe hơn, cướp được, nuốt trộng. Con còn lại ngơ ngác nhìn cả đàn đã no nê phởn phơ mà mình chả được miếng nào. Có những con tham, xực được nhái to quá, cứ vươn cổ lên duỗi dài ra, trợn mắt mà nuốt. Phải gà của đứa nào, đứa nấy xanh mặt, chỉ lo nó chết nghẹn. Cả lũ ào vào, tóm lấy gà, vuốt cổ cho nó trôi xuống, thở phào nhẹ nhõm.

Có khi rỗi việc, chúng tôi còn mang gà ra tỉa lông, tắm rửa, chăm như chăm em bé. Nhiều lúc trưa nắng trài trãi, mẹ gọi về ngủ, chẳng đứa nào nghe. Cứ mỗi đứa một con gà, thủ thỉ thù thì chuyện trò với nhau. Nói là chuyện trò cho oai, chứ thường người đóng cả hai vai, nói cả phần mình lẫn phần gà. Chả hiểu con gà nghe có hiểu gì không mắt mũi lim dim hết cả lại. Có khi nó buồn ngủ quá chừng. Mà cũng có khi nó cứ giả vờ nhắm mắt thế để khỏi phải bị vặn cổ, gật, lắc theo từng câu hỏi của chủ.

Mẹ tôi thì lo ra mặt. Suốt ngày quẩn quanh bên gà, ôm ấp gà, màn mạt gà bám đầy người, lại còn nói chuyện với gà, liệu có đứa nào bị… lẩn thẩn không? Chắc mẹ có những bài “kiểm tra” một cách âm thầm, thấy chúng tôi vẫn linh lợi, hoạt bát, chẳng đứa nào có dấu hiệu gì lạ ngoài… yêu gà, thế là mẹ yên tâm. Vả lại, suốt ba tháng hè được giải phóng khỏi sách vở, nếu không có đàn gà giữ chân, thể nào chúng tôi chả tìm cách khác để chơi. Lên núi hái hoa ngắt quả, ra sông bơi lội đều nguy hiểm cả. Nuôi gà vừa có ích lại tạo niềm hăng say lao động. Bọn tôi có mẹ ủng hộ lại càng hăng tợn.

Cả ngày chỉ quanh quẩn bên gà. Sáng ào ra chăm gà, tối còn lo đếm gà về hết chuồng chưa. Một con đi lạc là cả lũ nháo nhác, nhập nhoạng chạy sang khắp bốn bề hàng xóm hỏi han xem có thấy gà của mình không, chui ra bờ sông, vạch hết bờ rào bờ dậu để tìm gà. “Đón” được gà về rồi, ôm khư khư nó vào người, nhẹ nhàng thả nó vào chuồng, “chúc gà ngủ ngon” như… trong phim.

Vào năm học mới, số gà đã vơi đi phân nửa vì chết, vì phải bán bớt để lấy tiền sách vở, quần áo cho chúng tôi. Những con còn lại càng được chăm sóc kĩ càng, vì đó là cả nguồn tiêu Tết. Càng về cuối năm bà càng chăm gà hơn. Tháng củ mật, bà hầu như thức suốt đêm, nhỡ trộm vào khoắng đi một mẻ thì coi như mất Tết. Cứ một tiếng chó sủa húng hắng từ xa là bà đã bật dậy, chạy ra chuồng gà. Sắp đến ngày nghỉ Tết, chúng tôi chợt nhớ ra chỉ nay mai là không còn gà nữa. Đứa nào đứa nấy buồn so. Cả năm trời gắn bó với nhau như bạn bè, giờ sắp phải “chia tay”, không rưng rưng sao được.

Ngày học cuối cùng của năm cũng qua, cả lũ ùa về nhà, chuồng gà đã trống trơn, mỗi đứa lén ra một góc ngồi khóc. Bà chờ cơn sụt sịt nguôi ngoai rồi mới đưa ra mấy chiếc áo mới. Đúng là vui như Tết. Ướm áo vào người, tung tăng chạy khắp nơi, ngó những nải chuối, quả bưởi đã nằm ngay ngắn góc nhà, chắc mẩm năm nay Tết to. Đấy là những năm gà còn nhiều. Chứ có năm thời tiết khắc nghiệt, còn độ hơn tháng nữa Tết mà sương giáng, gà chết hàng loạt. Ngày nào cũng có gà ăn, chúng tôi trẻ con, chỉ biết sướng mồm lúc đó, đâu biết bà và mẹ lo thắt ruột. Tết ấy, đứa được quần thì thôi áo, đứa được áo thì thôi quần, ngoài con gà cúng giao thừa bé nhất đàn bà để lại, chẳng có món thịt gà. Cỗ Tết chỉ dăm miếng giò mỡ độn thật nhiều bì và mộc nhĩ, nồi canh măng lõng bõng, mấy miếng chả xiên, đứa nào đứa nấy buồn hẳn. Hai con gà mái đẻ nhiều, đẻ ngoan nhất đàn và một con gà trống cồ để lại làm giống trở thành vật báu được chúng tôi nâng niu, chỉ thiếu nước bế lên giường ngủ cùng. Cứ như thế, những năm thơ bé trôi qua trong tiếng gà, những vòng tuần hoàn của đời gà để chúng tôi khôn lớn.

Đêm gần Tết, nghe tiếng gà gáy rộn nhà hàng xóm, lại thấy cồn cào nhớ bà, nhớ mẹ, nhớ những cái Tết thiếu thốn nhưng rộn rã, sum vầy.

Tản văn của Hương Thị

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/