Bài 61: Độc đáo tò he

09:07 | 21/02/2017
TTTĐ.VN - Thời hiện đại, trẻ con có nhiều thứ đồ chơi công nghệ, đắt tiền nhưng món đồ chơi dân giã, rẻ tiền là tò he vẫn có chỗ đứng và không thể thiếu trong các kì lễ, Tết, rong ruổi trên khắp đường phố Hà Nội.

Bài 61: Độc đáo tò he

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
* Bài 50: Vui buồn ở phố đi bộ
* Bài 51: Hà Nội ngày ấy - bây giờ
* Bài 52: Áo dài khoe sắc gọi xuân về
* Bài 53: Phố cổ, nghề xưa
* Bài 54: Xấu đẹp không chỉ ở bộ quần áo
* Bài 55: Chuyện biếu quà Tết
* Bài 56: Lễ chùa đầu năm – Nét đẹp văn hóa
* Bài 57: Khi lòng tham làm lu mờ cả nhân cách…
* Bài 58: Mượn Tết để chặt chém
* Bài 59: Nỗi buồn sau Tết
* Bài 60: Phố phường thắm sắc hương xuân


Bài 61: Độc đáo tò he
Trẻ em rất thích thú với tò he nhiều hình hài, màu sắc.

Làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội nổi tiếng xưa nay với nghề làm tò he. Đây một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam có thể ăn được. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ, thường có hình thù các con vật như công, , trâu, , lợn, ... vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là "đồ chơi chim cò". Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và pha thêm chút đường nên có thể ăn được. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh "tò te" thế nên có lẽ người ta gọi là "tò te", sau này nói trại thành "tò he".


Theo cách của làng Xuân La, nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo có trộn ít nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo, một phần nếp (sẽ cần phải cho thêm nhiều nếp để giữ được độ dẻo của sản phẩm nếu thời tiết nóng, hanh khô), trộn đều, ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, luộc chín và nhào nhanh tay. Sau đó, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, đen, xanh. Trước đây, người ta sử dụng màu có nguồn gốc từ thực vật và đun sôi với một ít bột: màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc hoặc dành dành, màu đen thì đốt rơm rạ hoặc dùng cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này. Bây giờ, người ta chuyển sang sử dụng màu thực phẩm công nghiệp vì tiện ích hơn.

Tại Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017, anh Nguyễn Văn Tiến (thôn Xuân La, Phú Xuyên) chỉ mất vài phút đã biến cục bột gạo thành những chú tò he ngộ nghĩnh, đáng yêu, được trẻ em ưa thích.


Anh Tiến, người thanh niên trẻ của làng Xuân La sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm tò he nhiều đời. Từ nhỏ, anh được ông ngoại dạy cho kĩ thuật nặn tò he. Những buổi cuối tuần, anh theo chân ông ngoại đi nặn tò hè bán dạo tại những con phố tấp nập đông đúc ở Hà Nội.


Say sưa ngắm nhìn ông nặn tò he, nghe tiếng cười trong trẻo, giòn tan không chỉ của con trẻ được bố mẹ mua cho món đồ chơi độc đáo ấy, trong anh ngập tràn những giấc mơ gắn với niềm vui. “Lớn lên, dù đã trải qua nhiều nghề nhưng từ năm 2004 đến nay, tôi bám trụ với nghề tò he và muốn sau này có thể phát triển nghề, xây dựng làng nghề để gìn giữ nét đẹp văn hóa cho quê hương”, anh Tiến chia sẻ.

Với lịch sử hơn 300 năm, cùng với thăng trầm của đất nước nhưng tò he ngày càng yếu thế khi đứng cạnh những món đồ chơi hiện đại, đặc biệt là “cơn bão” đồ chơi Trung Quốc. Trong làng, đa phần thợ nặn tò he là những cụ già tóc đã bạc phơ, còn nhiều thanh niên trẻ tuổi theo các nghề chạm khảm với mức thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, khi nhiều đồ chơi dân gian đang dần bị mai một thì việc lưu giữ làng nghề đang là một nỗi trăn trở không chỉ các nghệ nhân già mà cả những người thợ trẻ - những người đam mê và nhiệt huyết với nghề như anh Tiến.

Anh Tiến luôn trăn trở, làm thế nào để những con tò he truyền thống "sống" được với cuộc sống đương đại? Ðể làm được điều đó, trước hết, phải giỏi tay nghề và sự đam mê, trí tưởng tượng, lòng say mê và tình yêu với các em nhỏ. Từ nắm bột gạo, người thợ làng Xuân La tạo ra cả... thế giới đầy mầu sắc, với đủ loại hình con giống, con giáp, hay các nhân vật trong phim, trong truyện cổ tích. Tuy nhiên, để cạnh tranh với đồ chơi ngoại nhập, tò he cần một cuộc “đổi mới” cả về hình thù và chất lượng.

Để tò he trở thành loại đồ chơi độc đáo, mở rộng ra thị trường cho trẻ em, cần giải quyết một số vấn đề kĩ thuật như: Nguyên liệu có khả năng chống mốc, giữ độ ẩm cao, không độc hại với người sử dụng. Nhiều nghệ nhân của làng nghề đã nghiên cứu và từng bước thử nghiệm chế biến nguyên liệu bằng cách pha trộn một số loại đất nặn để được lâu như đất sét Nhật Bản, đất sét Thái Lan và làm lên các bước chính bằng bột nặn cao cấp.

Người làm tò he bây giờ cũng năng động rất nhiều trước thị hiếu của khách hàng. Nếu như ngày trước các đối tượng để nặn tò he chủ yếu là các loại cây quả, con giống, hình người là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... thì bây giờ tò he phong phú hơn rất nhiều. Với riêng các em thiếu nhi, họ rất để ý đến những phim hoạt hình mới mà các em được xem. Nếu các em yêu cầu được mua những hình mình thích thì chỉ cần nhìn qua là các nghệ nhân có thể nặn giống được. Để nắm vững được thời gian cụ thể của những ngày hội, ngày lễ họ có trong tay cả quyển sách ghi lại các ngày lễ tết của tất thảy mọi vùng miền trong cả nước. Thời tiết, nhiệt độ… vì đó cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng tò he bán được.

Tò he là một trong những thứ đồ chơi truyền thống lâu đời ở Việt Nam trải qua suốt chiều dài văn hóa, lịch sử dân tộc. Tò he như khúc đồng dao thương mến, như một phần không thể thiếu của tuổi thơ nhiều người, nhiều miền quê nước ta, nó sức bền riêng, rất khó mai một.

(còn nữa)


Khánh Vy

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/