Bài 76: Kỉ cương hành chính - Tìm nút thắt của tồn tại ở cơ sở

15:08 | 24/03/2017
TTTĐ.VN - Năm 2017 được thành phố lựa chọn chủ đề công tác là “Năm kỉ cương hành chính”, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong củng cố kỉ cương hành chính của Thủ đô, hướng tới nền hành chính phục vụ và hiệu quả. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế bởi những nguyên nhân khách quan, chủ quan...

Bài 76: Kỉ cương hành chính - Tìm nút thắt của tồn tại ở cơ sở

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 70: Thể hiện đúng tác phong “người nhà nước” nơi công cộng
Bài 71: Hết giờ làm thì là “người của nhân dân”
Bài 73: Sức mạnh của văn hóa nghệ thuật
Bài 74: Khi nói tục chửi bậy len lỏi vào công sở…
Bài 75: Trách nhiệm phải đặt lên hàng đầu


Bài 76: Kỉ cương hành chính - Tìm nút thắt của tồn tại ở cơ sở
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của UBND quận Hoàn Kiếm

Những năm qua, Hà Nội luôn có những giải pháp quyết liệt trong chấn chỉnh kỉ luật, kỉ cương hành chính. Nhận diện được những tồn tại, hạn chế về thực thi công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố nên Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 26/5/2016, về bảo đảm trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, trách nhiệm thực thi pháp luật của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Đồng thời, nhân rộng, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn truyền thống phù hợp với những yêu cầu, điều kiện của nếp sống công nghiệp, hiện đại.

Nhìn chung, các đơn vị được kiểm tra đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về tập trung chỉ đạo, điều hành, quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc chấp hành nghiêm kỉ luật, kỉ cương hành chính theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đa phần đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành tốt thời gian làm việc tại cơ quan, công sở; tác phong làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hòa nhã.

Tuy nhiên, tại một số xã còn cán bộ, công chức không có mặt tại trụ sở trong giờ làm việc, không bố trí, phân công cán bộ, công chức làm nhiệm vụ trực tại Bộ phận một cửa; không thiết lập sổ theo dõi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), không thiết lập hồ sơ theo dõi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết liên thông các TTHC về đăng kí khai sinh, cấp thẻ Bảo hiểm y tế, đăng kí hộ khẩu thường trú cho trẻ em dưới 6 tuổi...

Qua kiểm tra cho thấy, việc giải quyết thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế chậm so với thời hạn quy định. Quy trình chuyển giao hồ sơ cấp đăng kí hộ khẩu thường trú chưa thực hiện đúng quy định tại các đơn vị; thời gian giải quyết hồ sơ đăng kí hộ khẩu thường trú một số trường hợp chậm so với thời gian quy định...

Qua kiểm tra đột xuất, tình trạng chấp hành thời giờ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức còn kém. Có đơn vị, mới chỉ 10 giờ 30 phút nhưng đa số cán bộ, công chức vắng mặt tại nơi làm việc; hay có đơn vị dù đã 8 giờ sáng nhưng tại nơi làm việc vắng mặt nhiều công chức. Tình trạng đi làm việc muộn, không đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, phòng làm việc chưa có bảng tên chức danh... thì hầu như đơn vị, địa phương nào cũng có. Đối với những đơn vị, đoàn đang yêu cầu giải trình cụ thể và có hình thức xử lí phù hợp với những công chức, viên chức chấp hành chưa nghiêm thời giờ làm việc theo quy định.

Phải thẳng thắn rằng, bộ máy hành chính của một số địa phương bấy lâu nay đang có sự trì trệ. Nhiều công việc, chỉ đạo điều hành của Chính phủ chưa được chính quyền các cấp triển khai đúng tiến độ, chất lượng không cao, nhiều khi là đối phó. Việc kiểm tra, phát hiện các sai phạm còn rất ít. Đây là sự trì trệ rất lớn về mặt nhận thức, tư tưởng, đạo đức của công chức. Đạo đức công vụ đang xuống cấp, một phần cũng do khâu kiểm tra, kiểm soát quyền lực yếu kém.

Một phần nguyên nhân là do hệ thống pháp luật của chúng ta còn bất cập, còn lỗ hổng, chồng chéo. Chưa kể vẫn còn tình trạng luật phải chờ đợi nghị định, thông tư hướng dẫn mới đi vào cuộc sống mà thông tư bị ảnh hưởng bởi các lợi ích cục bộ... Rồi việc giám sát, đưa pháp luật vào cuộc sống có lúc còn chưa thật hiệu quả. Những trì trệ, lỏng lẻo của kỉ cương, kỉ luật của bộ máy nhà nước với vai trò là cơ quan xây dựng chính sách, quyết định đầu tư các dự án lớn, cũng như giám sát toàn bộ bộ máy nhà nước, vốn nhà nước.

Chính vì vậy, việc xây dựng và nâng cao vai trò của văn hóa công sở phụ thuộc phần lớn từ ý thức phát huy tính tích cực lao động của cán bộ, công chức.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức và nhân dân về văn hóa công sở là rất cần thiết. Cán bộ, công chức phải có tác phong tốt. Tác phong của người công chức có văn hóa ở công sở thể hiện cách giải quyết công việc dứt khoát, có nguyên tắc nhưng nhẹ nhàng, tôn trọng người giao tiếp: Nói năng mạch lạc, đi đứng đàng hoàng, ánh mắt thiện cảm, nó xa lạ với việc nhận của đút lót, hối lộ... Văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính thể hiện ở quyền được thông tin và cách thức cung cấp thông tin cho công chúng. Công dân đến công sở phải có quyền nhận được những thông tin mà họ cần. Thực hành dân chủ cơ sở chính là biểu hiện của việc nâng cao văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Để thực hiện được yêu cầu nói trên, hàng năm cần đưa chương trình bồi dưỡng về văn hóa công sở vào chương trình đào tạo lại cán bộ, công chức.

Việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chấp hành kỉ luật, kỉ cương hành chính là cơ sở để các cơ quan, đơn vị đánh giá lại công chức, cán bộ của mình, đánh giá lại việc điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo. Từ đó chỉ ra được những cán bộ không đủ tư cách, đạo đức để có biện pháp xử lí, bố trí công việc phù hợp, đúng khả năng, sở trường nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn mực về đạo đức, lối sống, đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

(còn nữa)


Khánh Vy

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/