Bài 84: Hình ảnh đẹp về cảnh sát giao thông

08:07 | 17/04/2017
TTTĐ.VN - Nhà văn Y Ban từng tâm sự về những chiến sĩ công an làm nhiệm vụ như thế này: “Công an họ là ai? Họ là Một - Con - Người làm việc trong ngành Công an? Chúng ta có cần đến họ không? Rất cần. Khi đường tắc ai cũng muốn ngay lập tức có mặt Cảnh sát giao thông. Khi có đám đánh nhau, chúng ta gọi Cảnh sát cơ động. Mâu thuẫn với hàng xóm thì gọi anh Cảnh sát khu vực… nhưng tại sao chúng ta thường hay chỉ trích và đôi khi không hợp tác với họ?..

Bài 84: Hình ảnh đẹp về cảnh sát giao thông

>> Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh:
Bài 80: Chấn chỉnh kỉ cương trong giao thông
Bài 81: Tính cộng đồng trong tham gia giao thông
Bài 82: Những “chuyện nhỏ” mà tạo nên nét văn hóa
Bài 83: Bộ Quy tắc ứng xử tạo nên những chuyển biến tích cực


Đành rằng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đành rằng trong mắt người dân luôn đòi hỏi chiến sĩ Công an hoàn thiện hơn”. Vì họ làm nhiệm vụ là bắt những người vi phạm, thành ra chúng ta- những người có khả năng vi phạm luật giao thông thường có cái nhìn không mấy thiện cảm. Trong thực tế, hình ảnh chiến sĩ cảnh sát giao thông vẫn đẹp với đa phần nhân dân.

Bài 84: Hình ảnh đẹp về cảnh sát giao thông
Nữ CSGT làm nhiệm vụ tại ngã tư Điện Biên Phủ - Trần Phú (Hà Nội).

Những này qua, rất nhiều báo chí đăng tải tin với nội dung ngày 9/4, Đội Cảnh sát giao thông số 1 Công an TP Hà Nội cho biết vừa trao trả ví cùng nhiều giấy tờ, tài sản giá trị cho ông Nguyễn Văn Miêng (67 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội). Trước đó khoảng 19h ngày 8/4, khi đi tuần tra, trung úy Ngô Quốc Tuân và Lương Văn Linh, Đội Cảnh sát giao thông số 1, nhặt được ví đựng giấy tờ tùy thân, giấy phép lái xe, 1.000 USD cùng 3,4 triệu đồng. Qua xác minh, tổ công tác đã liên hệ với gia đình ông Miêng và trả lại số tài sản này.

Báo Quân đội Nhân dân cũng đăng tin, khoảng 10 giờ 30 phút sáng 27-3, trong khi làm nhiệm vụ tại chốt giao thông Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ, (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, TP Hà Nội), Trung úy Phạm Văn Sơn và Trung úy Đỗ Hữu Nghĩa, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 5, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), Công an TP Hà Nội phát hiện 1 chiếc ví rơi trên đường và đã trả lại cho anh Lê Đình Trường (SN 1991 ở Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội) hiện là phụ xe buýt tuyến số 51 - chủ nhân chiếc ví. Nhận lại tài sản trong đó có 8 triệu đồng tiền lương vừa lĩnh để trang trải nhiều khoản chi tiêu cho gia đình, anh Trường vui mừng khôn xiết và cảm ơn các chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 25/3, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 15, Phòng PC67, Công an TP Hà Nội đã trao trả chiếc ví ( có 7 triệu đồng) của anh Nông Văn Tiệp (SN 1993 ở Trùng Khánh, Cao Bằng) cùng chiếc điện thoại di động mà anh bị rơi tại km22 quốc lộ 3 địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Ngày 29 Tết âm lịch vừa qua, Thượng uý Hồ Quang Minh (Đội CSGT số 1, Phòng CSGT – CATP Hà Nội) khi làm nhiệm vụ phần luồng đảm bảo giao thông ở ngã tư Bà Triệu – Trần Hưng Đạo cũng nhặt được túi của người dân đánh rơi, trả lại toàn bộ số tài sản hơn 11 triệu đồng và nhiều giấy tờ khác.

Thi thoảng trên các báo lại có cảnh sát giao thông trả cho người đánh rơi 10 triệu đồng ở Cao Bằng, 9,5 triệu đồng ở Đak Nông, gần 80 triệu ở Hải Phòng, thậm chí số tài sản lên đến gần một tỉ đồng ở Thanh Hóa… là “những bông hoa” tô điểm thêm cho cuộc sống, để người dân thêm yêu quý những cảnh sát làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Điều đó cho thấy, những chiến sĩ cảnh sát giao thông ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, họ cũng vô cùng quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người dân. Họ biết ai mất của cũng lo lắng, nên đã kịp thời tìm để trao trả ngay. Đôi khi chúng ta vì bị va chạm quyền lợi, bị bắt phạt, phải đóng tiền mà ác cảm với họ mà quên đi rằng nếu chúng ta không mắc lỗi thì chẳng bao giờ bị bắt. Chúng ta thường hậm hực, thấy cảnh sát giao thông là tránh né hoặc nhớ rất lâu khi bị bắt vì vi phạm, nhưng ít ai chịu nhớ đến việc tốt mà họ đã làm. Những ngày Hà Nội mưa giông nước ngập, rất nhiều cảnh sát giao thông đã dầm người trong mưa, trong nước ngập để hỗ trợ người dân di chuyển an toàn, vừa phân luồng, vừa dắt hộ xe chết máy, đỡ người bị ngã. Những lúc trời nắng cháy da ai cũng muốn thoát thật nhanh vào nhà thì những cảnh sát phải lao ra đường để điều tiết giao thông. Hay tại những điểm tắc đường đông kín người, cảnh sát vừa vất vả phân tách từng luồng vừa phải chịu sự ô nhiễm khói bụi xăng. Nhiều cụ già đã không thể qua đường nếu không có cảnh sát giao thông dắt qua. Những lúc như thế, sao ít người dành cho họ những nụ cười hay lời cám ơn thân thiện?

Muốn có một môi trường văn hóa giao thông, mỗi người dân phải tôn trọng mình, đảm bảo an toàn cho mình và người khác. Bên cạnh đó cũng phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng người đại diện luật pháp trong điều khiển và xử lí vi phạm giao thông. Đừng coi họ là người va chạm với quyền lợi, mà chính là người đảm bảo quyền lợi an toàn cho chúng ta. Đừng vì nhỏ nhen mà ghét họ, thậm chí ghét lây cả người thân của họ. Nghĩ được như vậy thì hình ảnh người cảnh sát giao thông luôn đẹp và đáng kính trọng.

(còn nữa)


Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/