Bài 25: Đào tạo nghề - Thay đổi để nâng cao hiệu quả

14:40 | 04/05/2017
TTTĐ.VN - Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực hiện đang là thách thức lớn. Thực trạng ấy đặt ra cho công tác đào tạo nghề nhiều đòi hỏi cấp thiết, nhất là những giải pháp căn bản với tầm nhìn xa, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cao của thị trường lao động phong phú, đa dạng.

Bài 25: Đào tạo nghề - Thay đổi để nâng cao hiệu quả

>> Thanh niên với vấn đề hội nhập: Khát vọng vươn xa:
Bài 19: Chắp cánh ước mơ cho trẻ em mưu sinh ngoài đường phố
Bài 20: Người khắc tên “Việt Nam” tại thung lũng Silicon
Bài 21: Trang bị hành trang cho sinh viên bước vào môi trường quốc tế
Bài 22: Cống hiến chính là tài sản vô giá của tuổi trẻ
Bài 23: Tuổi trẻ “cháy” hết mình với đam mê
Bài 24: Lao động Việt Nam hội nhập quốc tế: Sân chơi nhiều thách thức


Nhiều thách thức

Tính đến nay, cả nước hiện có khoảng 1.500 cơ sở dạy nghề (CSDN). Đó là chưa kể đến hơn 700 cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc khối trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học tham gia dạy nghề. Trước những nhu cầu mới, hình thức cũng như mô hình dạy nghề cũng phát triển đa dạng, góp phần cung cấp cho thị trường một lực lượng lao động có tay nghề. Tuy nhiên, một nghịch lý vốn tồn tại lâu nay là mặc dù tỷ lệ người tốt nghiệp học nghề có việc làm khá cao nhưng số người vào học nghề vẫn thấp, dẫn đến tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề thấp. Hệ quả tất yếu là chất lượng lao động của nước ta chưa cao và chưa đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh nguồn lao động quốc tế di cư cạnh tranh gắt gao như hiện nay.


Bài 25: Đào tạo nghề - Thay đổi để nâng cao hiệu quả
Đào tạo nghề - Thay đổi để nâng cao hiệu quả.

Nguyên nhân lớn nhất ở đây là quy mô tuyển sinh đại học quá lớn. Hiện mỗi năm cả nước có khoảng từ 90 đến 95% số học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT; khoảng một triệu học sinh tốt nghiệp THPT nhưng có tới 90% trong số đó thi vào các trường đại học, cao đẳng và chỉ khoảng 10% học nghề. Số đỗ chính thức vào các trường đại học khoảng 60% nhưng số còn lại sẽ tiếp tục vào các trường đại học tư thục, hoặc các trường cao đẳng. Vậy là rất ít người đi học nghề. Điều đó mặc nhiên cho thấy công tác hướng nghiệp của chúng ta đang rất yếu.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật cao. Như vậy, chúng ta đang vấp phải một thực trạng hết sức khó khăn là vừa thiếu vừa mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu lao động qua đào tạo.

Không còn con đường nào khác, chúng ta phải tập trung đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật chất lượng cao, có kỹ năng và phẩm chất. Muốn vậy, trước hết phải giải quyết được một mâu thuẫn khá nan giải, rằng ai cũng biết là học nghề có việc làm, có thu nhập nhưng tại sao số người lựa chọn học nghề vẫn không cao? Vẫn biết là tâm lý xã hội, tư duy khoa cử (chuộng bằng cấp, thích làm công hơn làm chủ vốn...) vốn ăn sâu vào nhận thức của người dân từ nhiều đời nay, dẫn đến lệch lạc trong quan niệm, nhận thức về học nghề, làm nghề. Cũng bởi vậy mà nhiều người cho rằng học nghề không có tương lai. Hầu hết việc tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, thậm chí cả doanh nghiệp cũng đều tuyển dụng người tốt nghiệp đại học… Đó chính là những hạn chế đang đòi hỏi các cơ quan chức năng cùng hệ thống giáo dục - đào tạo và cả xã hội cần sớm tìm ra giải pháp khắc phục, trước hết từ trong nhận thức của mỗi người lao động.

Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đào tạo nghề cũng như nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn để phát triển nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Mục tiêu mà Cộng đồng AEC hướng tới là tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư. Trên thực tế, kỹ năng nghề của lao động các nước trong khu vực rất cao. Vì vậy, để lao động Việt Nam không thua trên sân nhà, cần phải xác định đây là lĩnh vực cạnh tranh ưu tiên ở cấp quốc gia, từ đó có những chính sách ưu tiên đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, thông qua công tác đào tạo nghề.

Thay đổi phương pháp đào tạo

Chọn trường, chọn nghề như thế nào luôn là điều các bạn trẻ, các bậc phụ huynh quan tâm. Điều này càng bức thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan, người có bằng cấp đại học hay cao học… cũng phải “gác bằng” để kiếm sống bằng nhiều nghề khách nhau, kể cả đi làm công nhân hoặc tính đến xuất khẩu lao động.

Thời gian gần đây, bên cạnh số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nhiều thì số lượng sinh viên học tại các trường đào tào nghề hay cao đẳng bắt đầu đem lại tín hiệu đáng mừng cho nguồn lao động của đất nước. Theo một thống kế của báo Dân sinh, lao động có bằng cấp nghề khi ra trường chiếm 70%. Không những có việc làm ngay sau khi ra trường, mà nhiều sinh viên còn có mức thu nhập “khủng” với ngành nghề mình làm việc.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Chọn việc làm hay chọn bằng cấp” do Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic phối hợp với báo Dân trí tổ chức, PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã chia sẻ góc nhìn về vấn đề bằng cấp, việc làm một cách thẳng thắn.

Theo ông Cao Văn Sâm, nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp không hề thấp. Thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay có thể nói là rất sôi động, nó được ví như thị trường lao động thế giới thu nhỏ vì ta có đại diện đủ các loại công nghệ trong sản xuất, đó là công nghệ sản xuất hiện đại nhất trên thế giới có mặt ở Việt Nam đến từ các doanh nghiệp trên thế giới.

Tuy nhiên, khi công nghệ thay đổi đòi hỏi sự đào tạo thay đổi và phải có sự cạnh tranh. Muốn cạnh tranh được thì người trẻ phải có đủ kiến thức, kĩ năng, thái độ nghề nghiệp. Thiếu những điều này, thì doanh nghiệp vẫn khát nhân sự, trong khi người thất nghiệp vẫn không ngừng tăng.

Ở góc độ đào tạo, ông Cao Văn Sâm cho rằng, thực trạng đào tạo nặng về lý thuyết, thiếu thực hành tại nhiều cơ sở đào tạo là một trong những lý do khiến sinh viên ra trường không làm được việc, bị doanh nghiệp từ chối hoặc đào thải.

Ông Sâm cho biết, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dạy các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và mỗi năm tuyển sinh khoảng 2 triệu, đào tạo trên 300 nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Những nghề đang đào tạo là những nghề có nhu cầu lớn. Tuy vậy, không phải cơ sở đào tạo nào cũng có thể đảm bảo vấn đề việc làm cho các sinh viên sau khi ra trường.

“Hầu như các sinh viên đều được đào tạo trên cơ sở lý thuyết tại trường chứ không được thực hành dẫn đến sau khi ra trường các sinh viên đều không có năng lực cũng như kinh nghiệm làm việc. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp hiện nay tuyển chọn theo xu hướng cần năng lực và ít chú trọng đến bằng cấp” – ông Sâm nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, tình trạng chạy theo bằng cấp của một số bạn trẻ, các bậc cha mẹ cũng kéo theo hệ lụy, có học, có bằng nhưng không có kiến thức, tay nghề, trình độ không đủ để vào làm việc thực tế. “Vì thực tế bằng cấp cao nhưng chưa chắc đã có năng lực thực hiện tốt, nên bằng cấp trở thành cơ sở so sánh trong cơ sở đào tạo chứ không phải là tất cả nhu cầu của doanh nghiệp trong đào tạo lao động” – ông Sâm khẳng định.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, các bậc phụ huynh nếu hướng nghiệp cho các con nên cung cấp thông tin một cách trung thực và khuyên các con nên lực chọn trình độ ngành nghề, trường phù hợp. Việc chọn lựa được một môi trường đào tạo “thực học, thực nghiệp”, cung cấp cho người học cả kiến thức lẫn kỹ năng, cơ hội rèn nghề, cọ xát thực tế là vô cùng quan trọng.

(còn nữa)

Minh Quang

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/