Bài 46: Hòa nhập nhưng đừng… hòa tan

16:38 | 27/06/2017
TTTĐ.VN - Trong khoảng chục năm gần đây, một số hiện tượng văn hóa mới du nhập vào Việt Nam. Điểm chung của những hiện tượng này là tính "gây sốc" bởi đa số đều bị cho là đi ngược lại hoàn toàn với những giá trị văn hóa truyền thống, là "lai căng", có ảnh hưởng xấu đến lối sống và tư cách đạo đức của thế hệ trẻ...

Bài 46: Hòa nhập nhưng đừng… hòa tan

>> Thanh niên với vấn đề hội nhập
Bài 45: Thanh niên Việt Nam yếu ngoại ngữ và thiếu các kĩ năng


Bài 46: Hòa nhập nhưng đừng… hòa tan

Đôi khi ăn mặc giản dị, kín đáo mà vẫn vô cùng thu hút mọi ánh nhìn
. Ảnh minh họa.


Về mặt văn hóa, cùng với sự ra đời của chính sách mở cửa, văn hóa phương Tây dễ dàng thâm nhập vào xã hội Việt Nam. Với sự hỗ trợ tích cực của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, của những tiến bộ trong khoa học và công nghệ như mạng internet, điện thoại di động, máy ảnh kĩ thuật số cùng những phương tiện thông tin đại chúng khác, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây lan tỏa sâu rộng đến tất cả các tầng lớp dân cư cũng như mọi ngõ ngách của xã hội Việt Nam.

Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực của xu hướng mở cửa lên nhiều khía cạnh của đời sống như đô thị, công nghiệp phát triển hơn; đời sống vật chất được nâng cao hơn, tiện nghi đầy đủ hơn; vai trò cá nhân được nâng cao hơn; tinh thần tự do phê phán được đề cao hơn; và sự liên kết quốc tế cũng ngày càng rộng rãi hơn....

Tuy vậy, tác động của văn hóa phương Tây cũng mang theo nó những mặt trái khiến không ít người lo ngại bởi nó không phù hợp với những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Điều này có thể thấy qua sự "cởi mở" trong các mối quan hệ giới tính; qua quan niệm của thế hệ trẻ về tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Những hiện tượng kể trên cho thấy một sự chuyển dịch về văn hóa khá rõ rệt trong thế hệ trẻ. Song những thay đổi này có thể nói lại chưa được quan tâm đúng mức, chưa được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan.

Đặc trưng của văn hóa giới trẻ thời hội nhập thể hiện rõ trong thế giới âm nhạc trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng: “Nhạc trẻ là một sự phát triển tất yếu của lịch sử âm nhạc; dù muốn hay không, chúng ta cũng không thể cưỡng lại sự phát triển này”. Giới trẻ - đối tượng của dòng nhạc này cho rằng, tuy họ không hoàn toàn giống như những gì được miêu tả trong các bài hát, nhìn chung họ vẫn thích nhạc trẻ vì giai điệu, tiết tấu sôi nổi, mới mẻ phù hợp với lối sống mới năng động, phóng khoáng. Một số nhạc sĩ khác thì cho biết “nhạc trẻ luôn gắn với thời trang và thị trường cho nên nhiều lúc bị tác động cũng là tất yếu”.

Trong quá trình tìm tòi, sáng tạo, đồng thời vừa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường thì việc các bài hát có giai điệu gấn giống nhau là điều không thể tránh khỏi. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, “một vài hạt sạn thì có sá gì khi thế giới đang xích lại gần nhau trong giai điệu”.

Vấn đề trang phục của thanh niên thời hiện đại cũng là điều cần bàn. Bên cạnh vấn đề phục trang của ca sĩ, thời trang của giới trẻ hiện nay cũng thuộc trường phái cấp tiến hướng về phong cách phương Tây với quan niệm: Ăn mặc càng thoáng càng dễ khẳng định được giá trị tự thân hoặc bởi như thế mới là "sành điệu". Còn nhớ, vào thời điểm chừng 20 năm trước, việc thanh niên mặc những chiếc áo không tay cũng rất hiếm vì thường bị cho là không đứng đắn. Vậy mà những năm gần đây, không chỉ áo không tay mà nhan nhản khắp phố ở đâu cũng có thể nhìn thấy những chiếc áo hai dây.

Vẫn biết rằng các nhà tạo mẫu thiết kế ra các bộ trang phục là để làm đẹp cho cơ thể của con người. Thế nhưng đâu có phải mẫu mã nào cũng trở thành thời trang ứng dụng, mà có thể đó chỉ là các mẫu thời trang để trình diễn lên sân khấu mà thôi! Đối với trang phục của phụ nữ, nhất là giới trẻ, thì điều cơ bản là làm sao khi mặc nó toát lên những nét đẹp vốn có và che những chỗ cần thiết trên cơ thể. Lựa chọn trang phục sao cho hợp với thân hình mình, toát lên cả nét văn hóa mặc. Người Việt Nam nên đẹp trong mắt mọi người và bạn bè quốc tế, văn hóa ăn mặc của giới trẻ hiện nay bị nhiễm văn hóa phương tây quá nhiều nên đã hình thành nên 1 bộ phận không nhỏ ăn mặc, làm ảnh hưởng đến lối sống, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Không chỉ quần áo mà kiểu tóc, giày dép, và các loại phụ trang khác như hình xăm, các loại khoen móc trên cơ thể... cũng ngày càng được chú ý hơn, cũng phá cách hơn. Chẳng hạn như mốt đầu trọc. Trước kia đầu trọc là biểu tượng của những phần tử xấu, bị coi là "đầu gấu", là thành phần bất hảo. Nay ai để đầu trọc là có thể được xem là người có cá tính (một số văn nghệ sĩ, họa sĩ hiện nay rất chuộng kiểu tóc này). Đầu trọc còn là mốt thời trang mà có một dạo (khoảng đầu năm 2001) các tiệm cắt tóc không làm hết việc bởi đó là thời điểm David Beckham, ngôi sao bóng đá nổi tiếng người Anh cạo bỏ mái tóc vàng quyến rũ thường ngày và thay vào đó là một cái đầu trọc với chân tóc xanh rì một màu.

Những năm gần đây, đặc biệt là ở những vùng đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế là những biến đổi trong quan niệm về thời trang của giới trẻ. Ở một bộ phận thanh niên, thời trang không còn là việc chạy theo mốt mới để có được những bộ trang phục hợp thời mà thời trang đồng nghĩa với hàng hiệu. Xu hướng này đang ngày càng lan rộng.

Với điều kiện vật chất đầy đủ, thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay được chăm sóc tốt hơn, về thể chất cao to hơn các thế hệ trước và đây cũng là một nguyên nhân của sự trưởng thành sớm về mặt tâm sinh lí của thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, lượng thông tin ở khắp mọi nguồn liên quan đến chủ đề tình yêu, tình dục đang ngày càng trở nên phổ biến và thậm chí không thể kiểm soát được (như mạng internet gia đình, các cơ sở cho thuê internet) đã có ảnh hưởng và tác động rất lớn tới sự nhạy cảm đối với vấn đề giới tính và tình dục ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Có hai vấn đề nổi cộm trong lối sống của thanh niên Viêt Nam đương đại tại các đô thị lớn. Những hiện tượng này đã xuất hiện được một thời gian và đang ngày càng trở nên phổ biến đó là quan hệ tình dục trước hôn nhân và kiểu bắt chước lối sống phương Tây.

Hiện nay, có không ít bạn trẻ thường hay cảm thấy buồn, buồn một cách vu vơ, tự nhiên thấy buồn và không hiểu mình buồn vì chuyện gì. Không chỉ các nữ sinh hay mơ mộng mà nay các chàng trai lắm khi cũng có những cảm xúc tương tự. Không chỉ những thanh niên thiệt thòi không có điều kiện được học hành, được phát triển tiềm năng của bản thân mà ngay cả đối với những người có bằng cấp, thậm chí có địa vị, cảm giác này vẫn len lỏi đâu đó. Có tác giả tự hỏi không biết trong giới trẻ hiện nay có đang dấy lên môt hội chứng buồn hay không. Buồn tràn lan từ những cuộc chat chít đến những diễn đàn trên website. Buồn từ văn thơ ủy mị học trò đến ngổn ngang những nỗi niềm không ai hiểu nổi. Buồn từ những thao thức trầm cảm cho đến những cuộc nổi loạn phá phách. Những hiện tượng này được đặt cho nhiều tên gọi khác nhau song có thể hiểu một cách đơn giản đó là cảm giác vô nghĩa với với sống.

Ngày nay cùng với những biến đổi về cơ cấu kinh tế, xã hội, cấu trúc gia đình cũng đã thay đổi (gia đình hạt nhân đang ngày càng phổ biến; kiểu gia đình nhiều thế hệ đã không còn phù hợp). Vai trò cá nhân được đề cao, thanh niên ngày nay trở nên chủ động hơn, có nhiều tự do hơn và họ cũng bắt đầu vượt ra khỏi những rào ngăn của văn hóa truyền thống để sống cho riêng mình tạo nên một lớp văn hóa riêng gọi là văn hóa giới trẻ.

(còn nữa)

Duy Long

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/