Đề xuất đánh thuế bảo vệ môi trường túi nilon theo số lượng

11:14 | 22/02/2017
TTTĐ.VN - Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính về việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra đề xuất với Bộ Tài chính phương thức đánh thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon theo hình thức đếm số lượng.

Đề xuất đánh thuế bảo vệ môi trường túi nilon theo số lượng


Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra đề xuất này vì mức thuế hiện nay rất thấp so với các nước trên thế giới nên chưa có tác động nhiều đến việc hạn chế sản xuất hay sử dụng túi nilon.

Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon. Ví dụ ở Anh là 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Ailen: 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Hong Kong: 0,05USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi...

Trong khi đó, khung và mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon của Việt Nam có 40.000 đồng/kg, tương đương 200% giá trị hiện hành, nhưng 1kg túi nilon có thể có từ 100-200 túi, thuế bảo vệ môi trường chỉ thu từ 200-400 đồng/túi.


Đề xuất đánh thuế bảo vệ môi trường túi nilon theo số lượng

Đề xuất đánh thuế bảo vệ môi trường túi nilon theo số lượng (Ảnh minh họa)


Theo ý kiến của các chuyên gia, khung và mức thu thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon của Việt Nam thấp so với các nước trên thế giới nên chưa có tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi nilon. Nếu tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon lên mức trần 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương từ 250 - 500 đồng/túi.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác cũng cho thấy việc đánh thuế dựa trên số lượng túi sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường. Cách đánh thuế này có nhược điểm là tiến hành thu sẽ khó hơn do các hóa đơn, hợp đồng mua bán túi nilon đều dựa trên khối lượng. Do đó, cần thực hiện thêm một thao tác để quy đổi từ khối lượng sang số lượng túi nilon.

Với những tác động về môi trường của túi nilon, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng ý rằng việc điều chỉnh mức thuế đối với túi nilon là có cơ sở. Tuy nhiên, khả năng tái chế, tái sử dụng của mỗi loại sản phẩm này khác nhau. Ví dụ, các loại túi nilon mỏng thì hầu như không thể tái chế, khả năng tái sử dụng cũng thấp. Các loại túi nilon dày hơn và đựng đồ sạch thì có thể tái sử dụng, tái chế dễ hơn. "Vì vậy, cách đánh thuế hiện nay dựa trên khối lượng túi sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hơn các loại túi nilon mỏng, còn các loại túi nilon dày lại phải chịu thuế cao hơn", Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương pháp đánh thuế dựa trên số lượng túi nhằm đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường cao hơn và xem xét đánh thuế một số sản phẩm nhựa plastic khác cũng có nguy cơ tác động lớn đến môi trường như nhựa poly styren dùng làm hộp xốp, thìa nhựa dùng một lần, hộp đựng thực phẩm. Đồng thời, bổ sung các thông tin về tác động môi trường, khả năng tái chế, tái sử dụng và hàng hóa thay thế trong phần thuyết minh lý do điều chỉnh thuế.

Ngọc Mai

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/