Việt Nam có 6 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày

10:50 | 22/02/2017
TTTĐ.VN – Mặc dù virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) chưa có ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ), hiện cả nước có 6 ổ dịch Cúm gia cầm tại 5 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Việt Nam có 6 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày


Nguy cơ bị lây nhiễm dịch cúm gia cầm rất cao

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Việt Nam có nguy cơ bị lây nhiễm dịch cúm gia cầm rất cao, thông qua các hoạt động chăn nuôi vịt chạy đồng qua biên giới, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Hiện virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) chưa có ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có 6 ổ dịch Cúm gia cầm tại 5 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Cụ thể, Bạc Liêu (Huyện Phước Long) còn 1 ổ dịch Cúm A/H5N1; Nam Định (Huyện Trực Ninh) còn 2 ổ dịch Cúm A/H5N1; Quảng Ngãi (Huyện Đức Phổ) còn 1 ổ dịch A/H5N6; Sóc Trăng (Huyện Mỹ Tú) còn 1 ổ dịch Cúm A/H5N1 và Đồng Nai (Huyện Long Thành) còn 1 ổ dịch Cúm A/H5N1.


Việt Nam có 6 ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày
Tăng cường kiểm soát hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc

Đặc biệt, có 2 ổ dịch Cúm A/H5N1 xảy ra tại các tỉnh Sóc Trăng và Đồng Nai. Theo đó, tại Sóc Trăng ngày 10/2/2017, dịch Cúm A/H5N1 xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi gà 945 con tại ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú. Ngày 21/2/2017, toàn bộ đàn gà đã được chính quyền và cơ quan chuyên môn thú y của địa phương tổ chức tiêu hủy.

Tại Đồng Nai, ngày 9/2/2017, dịch Cúm A/H5N1 xảy ra tại 1 chăn nuôi gà 5.000 con tại ấp 3, xã Suối Trầu, huyện Long Thành. Ngày 16/2/2017, toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh đã được chính quyền và cơ quan chuyên môn thú y của địa phương tổ chức tiêu hủy.

Ngoài ra, thêm 2 ổ dịch cúm gia cầm tiếp tục xuất hiện tại tỉnh Nam Định. Cụ thể, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở 4 hộ chăn nuôi của 2 xã Trực Nội và Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định làm 4.645 con gà, vịt mắc bệnh. UBND huyện Trực Ninh đã công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn xã Trực Nội và Trực Thuận.

Dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở các nước láng giềng có cùng biên giới với Việt Nam, nhất là dịch cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 10/2016 đến nay, tại Trung Quốc đã phát hiện 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, tập trung ở 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Đáng lo ngại là cúm A/H7N9 có nguồn gốc từ gia cầm nhưng gia cầm lại không có biểu hiện, triệu trứng và thường gia tăng vào mùa Đông Xuân.

Kiểm soát gà nhập lậu

Ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: “Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A/H7N9, nếu gà lậu vẫn âm thầm về Việt Nam mà không được kiểm soát chặt về dịch bệnh thì nguy cơ lây cúm từ Trung Quốc qua con đường này là rất cao”.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm lây lan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Bộ kiên quyết phối hợp với các bộ, ngành nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả việc cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới giáp với Trung Quốc".

Đặc biệt, các cư dân biên giới không được tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu để tuồn vào tiêu thụ trong nước.

Bộ NN&PTNT đang cùng hải quan, quản lý thị trường, công an,... tại các tỉnh biên giới kiểm soát chặt đến từng thôn, bản, khu vực tập kết buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm và các sản phẩm gia cầm để phát hiện, xử lý kịp thời và nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 1/2017, Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp người bị nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 và từ cuối tháng 2/2013 khi phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên đến nay đã có 1.174 người bị nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9, trong đó có 417 ca tử vong. Còn theo thông báo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), kết quả giám sát trong 1/2017 do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố, có 26 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với virus cúm A/H7N9.

Còn theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong tháng 1/2017 đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao như A/H5N2, A/H5N8 và A/H5N6 tại Trung Quốc. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm chủng virus cúm gia cầm độc lực cao H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam là rất cao.

Huyền Thanh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/