Nâng cao năng lực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm

11:49 | 10/05/2017
TTTĐ.VN - Ngày 9/5, tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và triển khai thực hiện Nghị định 87/2016/NĐ-CP”.

Nâng cao năng lực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm


Theo các chuyên gia, Nghị định 87/2016/NĐ-CP ban hành ngày 1/7/2016 hiện là văn bản pháp quy có giá trị cao nhất, với các biện pháp quản lý chất lượng mũ bảo hiểm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến nhập khẩu, phân phối.


Nghị định được ban hành nhằm đưa việc kinh doanh mũ bảo hiểm vào nền nếp; tạo một thị trường mũ bảo hiểm lành mạnh; đáp ứng yêu cầu quản lý; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng; tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu cho xã hội...

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Nghị định 87/2016/NĐ-CP chưa thể xử phạt vi phạm đối với các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (do có hiệu lực từ ngày 1/7/2017); Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư đã loại bỏ quy định về điều kiện đối với hoạt động nhập khẩu, phân phối mũ bảo hiểm. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm gặp nhiều khó khăn do không đáp ứng được điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm theo quy định của Nghị định 87/2016/NĐ-CP.


Nâng cao năng lực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm
Mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán tràn lan ngoài vỉa vè

Trên thị trường hiện nay tình trạng mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm kém chất lượng với giá 50.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng được bày bán tràn lan. Để sống còn, một số DN sản xuất buộc phải “sống chung” bằng cách hạ thấp chất lượng để có thể giảm giá thành. Đây là hệ quả tất yêu của một thị trường không lành mạnh, mà nếu không thay đổi cách quản lý (từ chứng nhận hợp quy, thanh kiểm tra, hay xử lý vi phạm…) thì thị trường mũ bảo hiểm vẫn loạn.


Ông Mai Văn Sùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 nhấn mạnh, nhiều mũ giả được đưa ra thị trường. Trước đó theo số liệu mà ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia đưa ra, hiện nay trên cả nước có khoảng 40% mũ bảo hiểm kém chất lượng đang tồn tại trên thị trường, trong đó tỉ lệ mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn ở phía Bắc chiếm khá lớn.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm cho rằng, Nghị định có điểm mới để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất làm ăn chân chính nhưng trong Nghị định không nói đến xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng sản xuất và kinh doanh mũ bảo hiểm giả trên địa bàn mình quản lý. Như vậy e rằng việc quản lý điều kiện sản xuất và kinh doanh cuối cùng cũng chỉ thực hiện đối với doanh nghiệp “có tóc” như hiện nay.

Nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, ông Tường Duy Sơn, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền và thực hiện thu hồi, tiêu hủy số mũ bảo hiểm không đạt chuẩn trên thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường các hoạt động kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân, cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn; xử lý người sử dụng mũ có kiểu dáng không giống mũ bảo hiểm được quy định theo quy chuẩn và không có dấu chứng nhận hợp quy; xử nghiêm cơ sở làm mũ bảo hiểm giả...

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý chất lượng mũ bảo hiểm từ kiểm tra địa bàn nhằm xử lý triệt để vi phạm ngay từ khâu sản xuất, kinh doanh...


Ngọc Mai

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/