Bể bơi công cộng- Bài 2: “Nhuộm” xanh bể bằng hóa chất

11:18 | 07/06/2017
TTTĐ.VN - Không thể phủ nhận tác dụng giải nhiệt khi đi bơi tại các bể bơi công cộng, tuy nhiên ít ai biết rằng, đằng sau làn nước trong xanh, mát rượi kia lại ẩn chưa nhiều mối nguy hại cho sức khỏe. Để tiết kiệm chi phí và thời gian, các chủ bể bơi đã “nhuộm” xanh bể bơi để làm vừa lòng các “thượng đế”…

Bể bơi công cộng- Bài 2: “Nhuộm” xanh bể bằng hóa chất

>> Bể bơi công cộng: Những điều trông thấy…
Bài 1: Đắt nhưng… không xắt ra miếng

Dạo một vòng quanh các bể bơi trên địa bàn Hà Nội như: Bể bơi Thái Hà, Thủy Lợi (Đống Đa), bể bơi Sao Mai (Tây Hồ), bể bơi Xuân Phương, Phương Hiền Chi (Long Biên), bể bơi của Trung tâm thể dục thể thao Cầu giấy… cho thấy, vào các buổi chiều hè, lượng người đến bơi nườm nượp, trong đó phần lớn là trẻ em. Khi được hỏi đến chất lượng bể bơi, hầu hết ban quản lý các bể bơi đều khẳng định: “Nước sạch, bể được thau rửa thường xuyên”.


Bể bơi công cộng- Bài 2: “Nhuộm” xanh bể bằng hóa chất
Hóa chất đồng sunfat thường được dùng để nhuộm xanh nước bể bơi.

Tuy nhiên, một số người dân sống gần bể bơi lại phản ánh: “Chẳng bao giờ thấy họ thau bể; nước sặc mùi Chlorine (Clo)”. Chị Nguyễn Thùy Linh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho hay: “Mùa hè nắng nóng, tôi thường cho bọn trẻ đi học bơi, vừa để rèn luyện sức khỏe và cũng đề phòng nguy cơ rủi ro. Quanh khu vực nhà tôi có khá nhiều bể bơi công cộng từ bể bơi ngoài trờ đến bể bơi trong nhà. Tuy nhiên, điểm chung của các bể là nồng nặc mùi Clo, rất khó chịu. Người lớn bơi quen rồi thì không sao chứ như bọn trẻ nhà tôi chỉ bơi được khoảng 15-20 phút”.

Anh Trần Văn Phúc, một huấn luyện viên dạy bơi tại Long Biên, cũng thừa nhận: “Đối với những bể chất lượng, chúng tôi có thể dạy bơi 6-7 ca/ ngày nhưng có những bể chất lượng nước kém chỉ có thể dậy được 1-2 ca/ngày. Nhiều bể bơi, ban quản lý lạm dụng hóa chất để vệ sinh bể chứ không thay nước thường xuyên”.

Một nhân viên cứu hộ bể bơi tại Long Biên chia sẻ thêm: “Các bể bơi công cộng đều tiến hành vệ sinh bể trong đêm khi không có người đến bơi. Bể nào đông thì chục ngày thay nước một lần, bể vắng thì lâu hơn. Việc thay nước thường xuyên rất tốn kém và mất thời gian (mỗi lần thay nước cũng mất gần chục triệu đồng) nên chủ các bể bơi đã nghĩ ra cách “nhuộm” xanh nước bằng các hóa chất như Clo, đồng sunfat để làm vừa lòng các “thượng đế”. Các hóa chất này lại được bán công khai, tràn lan tại các khu chợ hóa chất trên địa bàn Hà Nội như: Hàng Hòm, Hàng Mành… (Hoàn Kiếm, Hà Nội)”.

Theo lời kể của anh nhân viên cứu hộ bể bơi, chúng tôi tìm đến phố Hàng Hòm, một trong những con phố buôn bán các loại hóa chất trên địa bàn Hà Nội. Theo lời giới thiệu của ông chủ quán, thuốc nhuộm xanh nước bể bơi có rất nhiều loại, thường người ta hay dùng đồng sunfat và Clo với đủ các mức giá tùy theo nhà sản xuất, trung bình khoảng 100.000 đồng/kg. Như vậy, thay vì xử lý nước bể bơi với các khâu: Dọn vệ sinh, thay nước bể bơi, diệt rêu tảo… thì nay chỉ cần một ít bột đồng sulfat sục trong khoảng 10 phút là xong.

Tại Điểm 7, điều 4, chương II, Thông tư 02 của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch quy định Tiêu chuẩn nước bể bơi là: Phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất. Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước. Nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.

Như vậy, nếu chiếu theo tiêu chuẩn trên, có lẽ hầu hết nước bể bơi công cộng trên địa bàn Hà Nội đều không đảm bảo chất lượng.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bác sĩ Phạm Cao Kiêm (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết: Tình trạng quá tải do lượng người quá đông ở bể bơi công cộng sẽ dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, gây nguy cơ mắc nhiều bệnh về tiêu hóa, mắt và đặc biệt là bệnh da liễu như: Viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông. Đặc biệt, trong số đó có nhiều người có thể mắc các bệnh ngoài da, nên sẽ là nơi phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường nước thông qua làn da, tiếp xúc trực tiếp với nước, qua nước bọt, thậm chí nước tiểu trong nước bể bơi. Do vậy, người dân nên cân nhắc và lựa chọn kĩ lưỡng các địa điểm bơi công cộng, tránh bị lây nhiễm những bệnh lý không đáng có.


Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/