Hà Nội đề xuất lắp dải phân cách cứng cho xe buýt nhanh BRT

20:15 | 15/01/2017
Trước mắt, việc lắp dải phân cứng được đề xuất sẽ tiến hành thí điểm tại khoảng 5-6 điểm nhà chờ gần nút giao để hạn chế phương tiện cá nhân lấn làn.

Hà Nội đề xuất lắp dải phân cách cứng cho xe buýt nhanh BRT

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, GĐ Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, đơn vị vừa đề xuất thành phố, Sở GTVT về việc thí điểm lắp dải phân cách cứng tại các nhà chờ gần nút giao trên đường xe buýt nhanh BRT.

Ông Hải cho biết: “Dải phân cách cứng sẽ được thiết kế bằng kết cấu nhẹ tại một số vị trí từ nhà chờ đến nút giao thông liền kề để hạn chế lấn làn, tăng khả năng qua nút nhanh hơn cho BRT. Chúng tôi đề xuất lắp thí điểm ở một số vị trí nút giao từ vành đai 3 trở vào nội thành”.

Nguyên nhân là vì tại các nút giao xe buýt nhanh lại phải chạy chậm do tắc nghẽn và ở những đoạn này người dân tham gia giao thông thường xuyên lấn làn, tạt đầu để quay xe.

Ông Hải cho biết, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT đều tán thành đề xuất này. Hiện tại, trung tâm đang khảo sát và dự kiến sẽ lắp dải phân cách cứng ở 5-6 điểm trong thời gian tới.

Lắp đặt dải phân cách cứng trên toàn tuyến buýt nhanh BRT là giải pháp được nhiều nước trên thế giới từng áp dụng. Song ở Hà Nội hiện nay, cơ sở hạ tầng không cho phép ưu tiên hoàn toàn cho xe buýt nhanh nên trước mắt triển khai ở một số nút giao.

Theo thống kê, sau 10 ngày vận hành, toàn bộ tuyến BRT đã vận chuyển được gần 130.000 hành khách, bình quân 31,2 khách/lượt.

Hà Nội đề xuất lắp dải phân cách cứng cho xe buýt nhanh BRT

CSGT nhắc nhở phương tiện lấn làn xe buýt nhanh. (Ảnh Tienphong)


Tình hình hoạt động của tuyến được đánh giá tương đối khả quan, thu hút lượng khách sử dụng khá lớn và tuyến hoạt động cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, hiện tại tuyến BRT số 1 vẫn còn một số hạn chế như sự cố kỹ thuật liên quan đến hệ thống mở cửa tự động tại các nhà chờ chưa ổn định.

Các nhà chờ BRT ngoài đường vành đai 3 đến Ba La hiện vẫn ít khách sử dụng vì người dân không có thói quen dùng phương tiện công cộng.

Ông Hải cũng cho biết cần xử lý nghiêm tình trạng lấn làn, tạt đầu buýt nhanh để đảm bảo an toàn giao thông cũng như hoạt động của BRT được hiệu quả.

Ông cũng đề xuất thành phố nghiên cứu triển khai hệ thống phát thanh không dây để tuyên truyền đảm bảo điều kiện vận hành cho tuyến BRT tại các nút giao thông.

Hiện tại, xe buýt nhanh ở Hà Nội sẽ chạy trên đường riêng, bao gồm tuyến Ba La - Quang Trung (quận Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút Giang Văn Minh - Cát Linh.

Tại đoạn Yên Nghĩa - Ba La; Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ do không bố trí làn riêng, xe buýt nhanh sẽ chạy chung với các phương tiện khác.

Làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT được giám sát bằng camera, ôtô đi vào sẽ bị phạt 800.000-1.200.000 đồng, xe máy 300.000-400.000 đồng.

Tại làn đường dành riêng cho phương tiện công cộng này đều có biển chỉ dẫn, vạch sơn.

Dọc tuyến xe buýt nhanh còn gắn nhiều biển cảnh báo về mức phạt, ghi rõ căn cứ Nghị định 46/2016/NĐ-CP, các phương tiện đi vào làn của BRT sẽ phạm lỗi “đi không đúng phần đường, làn đường quy định”.

Theo Đội Cảnh sát giao thông số 7 chốt trực ở đây, hiện chưa phạt trực tiếp nhưng các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh sẽ bị phạt nguội.

Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa, giảm áp lực giao thông.

Trong những ngày đầu triển khai buýt nhanh BRT, hầu hết CSGT không xử phạt các phương tiện vi phạm mà chỉ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền.

Một đại diện Phòng CSGT Hà Nội cho biết thêm, đơn vị đang đề xuất lãnh đạo sẽ xử lý các phương tiện cố tình lấn làn xe buýt BRT từ sau Tết Nguyên đán.

PV Tổng hợp

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/