Cuộc chiến vỉa hè: Vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức người dân - Bài 2: Vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè

09:00 | 17/03/2017
TTTĐ.VN- Sau chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ ô tô, xe máy, bán hàng rong, quảng cáo rao vặt… trên nhiều tuyến phố tại Thủ đô đã triển khai rất tốt. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người dân không chịu hợp tác hoặc làm theo kiểu đối phó nên diễn ra tình trạng lực lượng chức năng vừa đi qua thì “đâu lại vào đấy”.

Cuộc chiến vỉa hè: Vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức người dân - Bài 2: Vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè

Cuộc chiến vỉa hè: Vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức người dân:
Bài 1: Sự thật đáng buồn

Hợp tác kiểu đối phó

Hiện tai đang là khoảng thời gian cao điểm các lực lượng chức năng ra quân giải quyết các tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán. Trên nhiều tuyến phố, người dân thực hiện rất tốt, tuy nhiên vẫn còn một số nơi người dân vẫn không chịu hợp tác hoặc làm theo kiểu đối phó với các lực lượng chức năng, lúc kiểm tra thì thực hiện nghiêm chỉnh nhưng khi đoàn kiểm tra, giám sát vừa rời đi lại bày bán như bình thường.

Tại con phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chỗ chân cầu vượt đối diện với cổng Bệnh viện Bạch Mai, đây là khu vực đông người qua lại nên các hộ dân sống gần đấy tận dụng hết phần vỉa hè, gầm cầu vượt để làm nơi kinh doanh quán ăn như: bún, phở, cơm, bánh mì, xôi… Theo một vài người dân sống gần đấy cho biết, hầu hết các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè đều không tuân thủ các quy định của thành phố về việc quản lý, sử dụng vỉa hè. Thậm chí còn có hành vi đối phó với cơ quan chức năng.

Chị Nguyễn Thị T., một người dân sống trên đường Lê Thanh Nghị cho hay: “Những người kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè này luôn phải cử một người túc trực, cảnh giác với các lực lượng chức năng. Cứ khi nào thấy bóng dáng của an ninh trật tự là họ hô hào rồi nhanh chóng dọn dẹp hàng quán cho gọn gàng, như không có vi phạm nào diễn ra. Tuy nhiên, chỉ cần lực lượng chức năng đi khuất là họ lại bày ra bán như bình thường. Khách hàng ở đây chủ yếu là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân bệnh nhân đang điều trị trong viện nên họ cũng dễ dàng thông cảm”.


Cuộc chiến vỉa hè: Vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức người dân - Bài 2: Vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè

Một số người dân tận dụng hết phần vỉa hè, gầm cầu vượt để làm nơi kinh doanh quán ăn


Theo chị T., trước kia việc ra quân giải quyết, xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông vẫn được các cơ quan chức năng tiến hành nhưng không diễn ra thường xuyên, mỗi tháng chỉ kiểm tra khoảng hai ba lần nhưng hiện đang là cao điểm của đợt ra quân nên lực lượng an ninh trật tự ngày nào cũng đi kiểm tra qua đây vài lần để nhắc nhở và tuyên truyền cho bà con dân phố.

“Theo tôi thấy, trên tuyến phố Lê Thanh Nghị này, những hộ kinh doanh hàng điện tử máy tính hoặc các cửa hàng thời trang thường tuân thủ nghiêm ngặt hơn vì hàng hóa của họ không thể bày bán ra tận vỉa hè. Chỉ có một số hàng ăn, quán tạp hóa họ mới bày ra tận vỉa hè để thu hút khách đi đường nên mới để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè thường xuyên. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền cho người dân hiểu luật, không vi phạm quy định của thành phố về quản lý và sử dụng vỉa hè, vừa để nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh hàng ăn, vì thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm”, chị T. bày tỏ.

Chỉ vì lợi ích cá nhân

Không chỉ khu vực gần cầu vượt Lê Thanh Nghị, mà trước các cổng trường đại học Bách Khoa, Xây Dựng vẫn còn tồn tại nhiều quán ăn nhanh di động bán bánh mì, xôi, ngô khoai luộc… Hầu hết những người kinh doanh quán ăn di động này luôn trong tình trạng sẵn sàng “rút chạy” mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra.

Chị Vũ Thị N., một người bán bánh mì, xôi các loại trước cổng trường Đại học Bách Khoa cho hay: “Mặc dù cũng biết về chủ trương của thành phố nhưng những người dân buôn bán chúng tôi vẫn chưa tìm được địa điểm phù hợp để buôn bán. Tất cả hàng hóa của tôi được chất hết lên một chiếc xe đẩy, bình thường nếu không có lực lượng chức năng đi kiểm tra, tôi đẩy xe ra sát mép đường để bán, vì người đi đường thấy tiện dừng đỗ xe họ mới mua chứ ngồi thụt lùi tận trong góc trong thì chẳng ai để ý. Còn khi nào có an ninh trật tự đi kiểm tra tôi lại kéo xe vào sát cửa nhà một người dân ở đó ngồi nhờ. Mình làm cẩn thận, khéo léo nên cũng không bị phát hiện”, chị N. chia sẻ.


Cuộc chiến vỉa hè: Vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức người dân - Bài 2: Vẫn còn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè

Cửa hàng kinh doanh di động vẫn tồn tại trên vỉa hè trước trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Tìm hiểu thực tế tại một số địa điểm “nóng” về vấn đề lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các chủ cửa hàng kinh doanh đều biết việc bán hàng quán vỉa hè, hàng rong là vi phạm trật tự văn minh đô thị, an toàn giao thông, tuy nhiên việc xử lý không dễ. Điển hình là vi phạm tại khu vực Bệnh viện Phụ sản trung ương - đây là địa bàn giáp ranh giữa 3 phường: Hàng Bông, Trần Hưng Đạo, Hàng Trống (Hoàn Kiếm), do vậy phường này ra quân dẹp, hàng rong lại chạy sang phường khác bán. Chính việc chưa có phối hợp chặt chẽ giữa các phường trong việc xử lý đã khiến tình trạng hàng ăn rong, quán ăn uống buổi trưa tại đây trở nên nhếch nhác, lộn xộn.

Thực tế, hằng ngày các phường đều bố trí lực lượng tự quản làm nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông dọc các tuyến phố chính và các ngõ, song do nhu cầu ăn uống của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị ở các bệnh viện gần đó quá lớn, nên các hộ có nhà mặt phố, mặt ngõ đều tận dụng để bán hàng ăn. Khi có lực lượng tự quản thì các hộ kinh doanh đúng quy định, nhưng khi lực lượng rút quân, các hộ lại bày hàng hóa ra vỉa hè bán.

Rõ ràng, hành vi của chị N. cũng như một vài hộ dân kinh doanh quán ăn ở khu vực chân cầu vượt Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng), hay khu vực Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức (Hoàn Kiếm)… là đối phó với các cơ quan chức năng. Để thực hiện tốt công tác xử lý vi phạm vỉa hè, đường phố không chỉ cần biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt mà còn phải kết hợp với việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho một bộ phận người dân hiểu được lợi ích của “đường thông, hè thoáng”, như vậy mới mong khu dân phố được văn minh, trật tự.

Hà Nội có thể tăng mức phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè


Ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, việc quản lý trật tự đô thị đã được Hà Nội "làm từ đầu khóa, có trọng tâm, quyết liệt, bài bản, thu nhiều thành tựu và nay chỉ gia tăng cường độ". Ông Sơn cũng đã đưa ra một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả quản lý lòng đường, vỉa hè và môi trường đô thị. Cụ thể, thành phố cần vận dụng Luật Thủ đô để nâng mức xử phạt hành chính, tăng thêm chức năng nhiệm vụ cho lực lượng thanh tra xây dựng trong công tác đảm bảo trật tự đô thị.

Đồng tình với đề xuất của ông Phan Hồng Sơn, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng: Cần thực hiện nghiêm túc các quy định đã có và có thể vận dụng Luật Thủ đô để nâng mức phạt cao hơn. Theo đồng chí chủ tịch, qua nắm bắt dư luận, có ý kiến tiểu thương phán ánh doanh thu của họ sẽ giảm nếu khách hàng không có chỗ đỗ xe, vì vậy cơ quan chức năng có thể nghiên cứu bố trí các điểm trông giữ xe gần nơi kinh doanh. Ngoài ra, giá trông giữ xe sẽ được đề xuất tăng để có thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước đó ngày 4/3, tại Hội nghị về an toàn giao thông và trật tự đô thị, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, trong giành lại vỉa hè, "Hà Nội không ồn ào, không ra quân rầm rộ" mà phải kiên trì, bài bản và bền vững. Cần tuyên truyền để người dân có ý thức không tái lấn chiếm, có ý thức bảo vệ trật tự văn minh đô thị Thủ đô.



Thanh Tùng

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/