Hà Nội: Đề xuất thêm 118 điểm và 9 tuyến phố trông xe qua điện thoại

14:24 | 14/08/2017
TTTĐ.VN - Nếu được UBND thành phố thông qua, Hà Nội sẽ có thêm 118 điểm và 9 tuyến phố triển khai dịch vụ trông giữ xe thu phí qua thiết bị di động (iParking). Đây là một trong những nội dung thống nhất giữa Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan sau khi tiến hành khảo sát đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện mở rộng dịch vụ iParking trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Hà Nội: Đề xuất thêm 118 điểm và 9 tuyến phố trông xe qua điện thoại

Theo kết quả khảo sát, Hà Nội hiện có 161 điểm trông giữ (118 điểm trông giữ xe thu phí, 43 điểm không thu phí được cấp phép các cơ quan, tổ chức) và 9 tuyến phố (gồm Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Phố Huế, Hàng Bài, Bà Triệu, Trần Đại Nghĩa, Trần Nhân Tông, Giang Văn Minh) đáp ứng điều kiện triển khai iParking.

Tuy nhiên, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong 118 điểm thu phí thì có 91 điểm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý; 27 điểm còn lại do 12 đơn vị khác khai thác. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đưa ra 2 phương án để triển khai dịch vụ iParking.


Hà Nội: Đề xuất thêm 118 điểm và 9 tuyến phố trông xe qua điện thoại
Khách hàng nhận hóa đơn từ nhân viên trông giữ phương tiện tại điểm đỗ sử dụng công nghệ iParking 001, phố Lý Thường Kiệt.

Phương án 1 là giữ nguyên các đơn vị và vị trí các điểm trông giữ như hiện nay và thực hiện triển khai dịch vụ iParking và thực hiện thu phí áp dụng dịch vụ này bắt đầu từ ngày 1/9 tới đây. Phương án này được Sở Giao thông Vận tải đánh giá huy động được các thành phần kinh tế tham gia công việc trông giữ phương tiện, tạo thêm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc trông giữ xe quá nhiều đầu mối, không quản lý tập trung, không thuận lợi trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị trên địa bàn 4 quận.

Phương án 2, Sở Giao thông Vận tải sẽ thu hồi giấy phép các điểm trông giữ xe của tất cả 118 điểm giao về cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý, ứng dụng dịch vụ iParking. “Ưu điểm của Phương án 2 là đưa về tập trung cùng một đầu mối sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho công tác điều hành, quản lý nhưng khi triển khai cũng phải tính tới ảnh hưởng đối với việc làm của một bộ phận người lao động thuộc 12 đơn vị nói trên”, ông Tuấn nhìn nhận.

Đối với các điểm trông giữ xe ôtô do UBND 4 quận cấp phép đề xuất chỉ đạo các đơn vị triển khai dịch vụ iParking, yêu cầu phải dành tối thiểu 1,5m mặt cắt ngang hè cho người đi bộ và thực hiện từ ngày 1/9 tới.

Với 9 tuyến đường khảo sát ở trên có mặt cắt ngang trên 14m, Sở Giao thông Vận tải đề xuất cho phép đỗ xe 2 bên lòng đường tại các vị trí phù hợp, đúng quy định và thực hiện trông giữ phương tiện từ ngày 1/9 (bao gồm cả việc thu hồi các điểm đã cấp cho các đơn vị khác giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe triển khai thực hiện).

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội và các đơn vị liên quan khảo sát toàn bộ các điểm đỗ xe ôtô hiện có, các tuyến đường có mặt cắt từ 14m trở lên theo đề xuất của Công an thành phố, đảm bảo đủ điều kiện triển khai ứng dụng iParking trên 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa) đề xuất, báo cáo thành phố việc chuyển giao và chuẩn bị sơn kẻ, lắp đặt biển báo để triển khai từ ngày 1/9.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, việc triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe ôtô qua điện thoại di động iParking bước đầu đã có hiệu quả hơn so với cách làm cũ, góp phần tăng thu cho ngân sách.

Ngày 1/5 vừa qua, Hà Nội đã chính thức triển khai dự án ứng dụng tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe tự động qua điện thoại di động iParking tại các điểm đỗ xe trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm.

Cũng theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, Liên ngành Sở Giao thông Vận tải-Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) vừa có Tờ trình UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thí điểm thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT 01 (Kim Mã-Yên Nghĩa) trong tháng 9 hoặc tháng ​10 này và tiến tới liên thông trên toàn hệ thống xe buýt có trợ giá, kết nối liên thông các tuyến đường sắt đô thị theo lộ trình của thành phố. Việc triển khai thí điểm cung cấp và ứng dụng hệ thống thiết bị thẻ vé điện tử liên thông cho tuyến buýt nhanh BRT sẽ thay thế cho loại hình vé giấy hiện tại, thủ công và tốn chi phí in ấn, thời gian mua bán vé.

Sở Giao thông Vận tải và Transerco đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét, chấp thuận cho phép liên danh Viettel-Transerco triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử liên thông trên tuyến buýt nhanh BRT và mở rộng cho các tuyến buýt trợ giá trên địa bàn thành phố. Trước mắt, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT 01 như trang bị thiết bị bán vé điện tử thay thế vé giấy hiện tại; thay thế toàn bộ vé tháng tuyến BRT 01 sang vé tháng điện tử (khoảng 2.500 thẻ); lắp đặt hệ thống cổng kiểm soát khách ra vào tại các nhà chờ BRT; trang bị thệ thống thiết bị, phần mềm quản lý hệ thống vé điện tử tại Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, các điểm giao dịch của liên danh Viettel-Transerco.

Về chính sách giá vé, liên ngành đề xuất với thành phố Hà Nội giữ nguyên chính sách giá vé hiện tại trong giai đoạn thí điểm. Tổng mức đầu tư dự kiến để triển khai cho tuyến buýt nhanh BRT là 22,5 tỷ đồng và phía Tập đoàn Viettel sẽ ứng trước kinh phí để triển khai. Về tiến độ thực hiện, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị UBND thành phố lộ trình trong tháng Chín và Mười này sẽ triển khai đầu tư trên tuyến buýt nhanh BRT; tháng 11 báo cáo đánh giá kết quả triển khai thí điểm đồng thời lập dự án đầu tư hệ thống thẻ vé liên thông cho mạng lưới buýt và BRT trên địa bàn thành phố. Năm 2018, Hà Nội sẽ thực hiện đầu tư hệ thống vé điện tử liên thông trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá, kết nối liên thông các tuyến đường sắt đô thị theo lộ trình.


Sở Giao thông Vận tải Hà Nội
vừa thông báo danh sách các tuyến phố cấm taxi hoạt động nhằm giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút, chiều từ 16 giờ - 19 giờ) hai tuyến đường Mai Xuân Thưởng và Hoàng Hoa Thám (từ phố Ngọc Hà đến phố Mai Xuân Thưởng), từ thứ lai đến thứ sáu hằng tuần (trừ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ); cấm giờ đối với xe taxi hoạt động buổi sáng từ 6​-9 giờ đi qua cầu Chương Dương hướng từ bên Nguyễn Văn Cừ về Trung tâm Hà Nội, từ thứ Hai đến thứ Sáu các ngày trong tuần (trừ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ); cấm giờ đối với xe taxi hoạt động tại nút giao Mai Dịch-Nguyễn Cơ Thạch - Hồ Tùng Mậu từ 6 giờ-20 giờ hàng ngày, hướng dẫn đi từ Phạm Hùng-Mễ Trì-Lê Quang Đạo-Lê Đức Thọ-Trần Hữu Dực-Nguyễn Cơ Thạch, cấm ôtô lưu thông qua đường Xuân Thủy đoạn từ ngã tư Xuân Thủy-Phạm Hùng đến ngã tư Xuân Thủy-Trần Thái Tông; cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm trên phố Đê La Thành, Khâm Thiên; phố Khâm Thiên cấm taxi rẽ vào từ hướng Lê Duẩn. Thời gian cấm sáng từ 6 giờ - 9 giờ, chiều từ 16 giờ 30 phút - 19 giờ 30 phút (trừ thứ bảy, Chủ nhật và các ngày lễ).


Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ cấm xe taxi qua Cầu Diễn buổi sáng từ 6 giờ - 9 giờ (hướng từ Nhổn về trung tâm Hà Nội); cấm xe taxi bắt khách giờ cao điểm bắt đầu từ ngày 25/12, sáng từ 6​-9 giờ, chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30 phút trên tuyến đường Giảng Võ-Láng Hạ-Lê Văn Lương để phục vụ vận hành tuyến BRT. Đường Cổ Nhuế cấm taxi đi ra Phạm Văn Đồng. Phố Phủ Doãn cấm taxi từ hướng Triệu Quốc Đạt đi vào.



Việt Hùng

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/