Bài 5: Kiên quyết thực hiện phương châm “3 phải, 3 không”

15:06 | 26/09/2017
TTTĐ.VN - Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho thanh thiếu niên khi tham gia giao thông, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã và đang tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên… Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa kêu gọi, học sinh, sinh viên kiên quyết thực hiện phương châm “3 phải, 3 không”

Bài 5: Kiên quyết thực hiện phương châm “3 phải, 3 không”

>> Xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông
Bài 4: Truyền thông đóng vai trò quan trọng

Giảm nhưng vẫn còn nhức nhối


Trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông đã giảm mạnh, cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, nó vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Hàng năm, cả nước vẫn có hàng nghìn người tử vong hoặc bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, trong đó tỷ lệ 20% là học sinh, sinh viên. Nguyên nhân là do khoảng 5 năm trở lại đây, hiện tượng học sinh phổ thông đi học bằng xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy diễn ra phổ biến ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Không những thế, nhiều bạn học sinh còn đi hàng đôi, hàng ba, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đánh võng. Thậm chí, nhiều sinh viên còn uống rượu bia khi tham gia giao thông.


Bài 5: Kiên quyết thực hiện phương châm “3 phải, 3 không”
Các bạn trẻ tham gia diễu hành hưởng ứng “Tháng Hành động an toàn giao thông”

Thống kê của ngành y tế trong những năm gần đây cho thấy, mỗi năm cả nước có trên 1.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, chiếm đến 20% tổng số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích. Học sinh, sinh viên vừa là nạn nhân nhưng cũng vừa là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông do vi phạm pháp luật an toàn giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện.

Hưởng ứng Năm an toàn giao thông Quốc gia, thời gian qua, hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt tổ chức các buổi lễ phát động, tuyên truyền, phổ biến luật an toàn giao thông đến đông đảo học sinh, sinh viên trong trường. Điển hình như trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em học sinh khi tham gia giao thông. Qua các vở kịch tự dàn dựng, các em học sinh khối 11 của trường đã khéo léo lồng ghép các thông điệp ý nghĩa về cách xử lý tình huống khi tham gia giao thông và truyền tải các điều luật an toàn giao thông đến đông đảo các bạn học sinh trong toàn trường.

Chia sẻ về ý nghĩa của việc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, bạn Dương Nhật Huy, lớp trưởng lớp 11A1, Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: "Trước kia em thường chủ quan, cứ nghĩ đi xe đạp điện không cần phải đội mũ bảo hiểm vì tốc độ xe đi chậm, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, sau khi được tham dự các buổi học ngoại khóa, các buổi tọa đàm và các buổi tuyên truyền về luật an toàn giao thông tổ chức tại trường, em đã hiểu được tầm quan trọng của chiếc mũ bảo hiểm. Chắc chắn từ nay trở về sau, em sẽ cố gắng không quên đội mũ bảo hiểm và nhắc nhở bạn bè, người thân phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông".

Nhận xét về ý tưởng cũng như hiệu quả tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, cô Trịnh Thanh Thúy, cố vấn Đoàn trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Để xây dựng được một vở kịch mang thông điệp ý nghĩa, các bạn học sinh lớp 11A1 đã cố gắng đầu tư công sức một cách có hiệu quả. Trước toàn thể nhà trường và Ban giám hiệu, các bạn đã truyền tải thông điệp an toàn giao thông một cách xuất sắc. Tôi hy vọng, trong tương lai, học sinh trường THPT Trần Phú sẽ còn nhiều chương trình có giá trị giáo dục hơn nữa”.

Mỗi học sinh, sinh viên là một tuyên truyền viên

Thống kê của ngành giáo dục cho thấy, hiện cả nước có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên là nhân tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Để bảo vệ thế hệ chủ nhân tương lai của dân tộc trước hiểm họa tai nạn giao thông, chúng ta luôn phải xác định công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời, các bạn học sinh, sinh viên cũng chính là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền pháp luật về an toan giao thông cho toàn xã hội.

Tại buổi Lễ ra quân phát động hưởng ứng “Tháng Hành động an toàn giao thông” năm 2017 vừa được tổ chức tại Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa kêu gọi các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông, kiên quyết thực hiện phương châm “3 phải, 3 không”, gồm: Phải đội mũ bảo hiểm, phải đi đúng phần đường, làn đường và phải giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính; không lái xe sau khi uống rượu bia, không phóng nhanh vượt ẩu, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, các em học sinh, sinh viên cũng cần nêu cao ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời là tuyên truyền viên tốt nhất tới gia đình, cộng đồng dân cư về pháp luật an toàn giao thông.

Bên cạnh việc tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tuyên truyền luật an toàn giao thông tại các trường học, các tổ chức, cơ quan triển khai nhiều cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông với nhiều nội dung, hình thức khác nhau; Trong đó phải kể đến cuộc thi “Thanh niên với Văn hóa giao thông" do Trung ương Đoàn phát động, chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô 2017” do Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và báo Kinh tế & Đô thị. Mục đích của chương trình là nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân về ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông.

Để góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, tăng cường trật tự, văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, tác giả thiết nghĩ, mọi người dân, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/