Tạo đột phá, xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ

16:58 | 27/02/2017
TTTĐ.VN - Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô với tinh thần tích cực, chủ động đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được lâu nay dư luận thường phàn nàn về thái độ phục vụ của một phận cán bộ trong bộ máy công quyền như hách dịch, nhũng nhiễu, ứng xử thiếu nhã nhặn… Cũng vì lẽ đó mà năm 2017 được TP Hà Nội lựa chọn là “Năm kỷ cương hành chính”, với quyết tâm tạo đột phá, xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ; mang tới chuyển biến thực chất, rõ nét về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức… Để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn khách quan việc thực hiện chủ đề này của các cấp, ngành TP, bắt đầu từ số báo này, báo Tuổi trẻ Thủ đô khởi đăng loạt bài “Tạo đột phá, xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ”.

Tạo đột phá, xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ

Bài 1: Vì sao phải “ rèn” kỷ cương, “xây” tự giác?

Người dân Thủ đô ghi nhận những cố gắng của Chính phủ, lãnh đạo thành phố từ đầu nhiệm kỳ mới đến nay đã tập trung quyết liệt trong hành động, kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, gắn bó với nhân dân... Tuy nhiên, theo sự phản ánh của người dân và doanh nghiệp, kỷ cương hành chính mới chuyển biến tích cực ở các cơ quan hành chính cấp trên, còn ở một số bộ máy hành chính gần dân vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét…

Tạo đột phá, xây dựng nền hành chính hành động và phục vụ

Cải cách thủ tục hành chính của thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Bất kỳ xã hội nào cũng cần kỷ cương. Kỷ cương là muốn nói đến phép tắc, kỷ luật, sự nghiêm minh và trật tự. Trong một xã hội thường diễn ra khuynh hướng, kỷ cương được siết chặt, buộc con người phải chấp hành pháp luật, tuân thủ những quy tắc của xã hội và dần tiến đến tự giác. Khi kỷ cương bị buông lỏng, lòng ham muốn trong con người, ý thức tự do vô kỷ luật lại trỗi dậy và dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, việc giữ vững kỷ cương xã hội, cũng như việc mở rộng dân chủ, giáo dục ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm công dân cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong cán bộ, công chức là việc làm thường xuyên và liên tục.

Đảng, Nhà nước luôn coi kỷ cương hành chính có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, đặc biệt chú trọng và xác định là một trong những khâu đột phá để đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, trong cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, tuy nhiên, thực tế sự chuyển động ở cấp dưới, nhất là các địa phương, cơ sở còn chậm. Một số cán bộ, công chức không yếu về năng lực, trình độ, nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Nhiều trường hợp cán bộ tìm cớ gây ra đủ khó khăn để nhũng nhiễu, làm doanh nghiệp và công dân ngại ngần, sợ hãi khi phải tiếp cận các thủ tục hành chính công…Bên cạnh đó, nhiều cơ quan đã có quy định cấm uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, nhưng nếu dạo quanh các quán ăn từ nông thôn đến thành thị thì sẽ thấy, chỗ nào cũng đông cứng người vào buổi trưa, trong số đó có không ít cán bộ, công chức, viên chức, tranh thủ giờ nghỉ trưa để nhậu.Những biểu hiện trên, không chỉ là những hạt sạn trong công sở, mà còn trở thành vật cản lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.

Phát biểu tại nghị trường, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, công tác cán bộ là then chốt, việc thanh tra, kiểm tra giám sát công tác cán bộ phải được coi là công việc quan trọng của lãnh đạo, nhưng chúng ta làm chưa tốt việc này. Vì vậy, thời gian tới, việc kiểm tra, thanh tra phải chặt chẽ, gắn với việc xử lý kỷ luật phải thật nghiêm minh, siết chặt kỷ cương; bên cạnh đó, yêu cầu thực thi đúng luật pháp gắn với thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống trong sạch sẽ hạn chế được chủ nghĩa cá nhân và lòng tham, giảm được chi ngân sách cho bộ máy cán bộ. Từ đó, nguồn lực của đất nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, tham nhũng giảm, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Trong bối cảnh chung của cả nước và từ thực tiễn phát triển của Thủ đô - việc lựa chọn “Kỷ cương hành chính” là chủ đề công tác của năm 2017 vừa có tác dụng trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài. Theo đồng chí UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, đòi hỏi quyết tâm lớn trong ý thức không chỉ của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn cần sự đồng lòng của mỗi người dân. Một trong những việc chúng ta có thể đồng lòng thực hiện được ngay, đó là cùng nêu cao và có ý thức xây dựng kỷ cương từ những việc làm nhỏ nhất của mỗi tập thể, cá nhân, trong từng môi trường, lĩnh vực và trong toàn xã hội…

Đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ: “Trong chuyến thăm Việt Nam, một nguyên thủ quốc gia từng tâm sự: "Tôi đã cảm nhận sức sống của Việt Nam, của Hà Nội ngay từ khi bước xuống sân bay Nội Bài, chứng kiến các công trường xây dựng sôi động khắp nơi, của dòng người tấp nập như vô tận trên mọi nẻo đường phố. Tuy nhiên, bao trùm hơn hết là một cảm giác lắng đọng, bình an đến lạ".


“Sức sống” mà vị khách quốc tế đó nói tới là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đặt ra với thành phố chúng ta, nó cũng là mong muốn trong tâm khảm của mỗi người Hà Nội. Từ tình yêu Hà Nội lớn lao và niềm tin sâu sắc, chắc chắn các tầng lớp nhân dân Thủ đô sẽ đồng lòng để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô, là thành phố hiện đại trên nền tảng văn hiến, là thành phố phát triển trong sự yên bình, với điều kiện căn bản và quan trọng là trật tự, kỷ cương mà chúng ta đang cùng nhau chung tay xây dựng”.

(còn nữa)

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thái

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/