Những bệnh thường gặp ngày Tết và cách cứu chữa kịp thời

04:00 | 18/01/2017
Vào ngày Tết, sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi... là nguy cơ phát sinh bệnh tật và dẫn đến tiến triển nặng bệnh mãn tính.

Những bệnh thường gặp ngày Tết và cách cứu chữa kịp thời

Theo thống kê, trong những ngày lễ Tết, số ca cấp cứu tăng 20-30% so với ngày thường. Các vấn đề gặp phải có thể chỉ là rối loạn tiêu hóa nhưng cũng có thể là các tai biến nguy hiểm. Dưới đây là những bệnh thường gặp ngày Tết:

1. Bệnh về gan mật

Bữa ăn ngày Tết chứa nhiều đạm, dầu mỡ khiến gan mật phải làm việc nhiều để tiết men tiêu hóa. Ngoài ra, đã là ngày Tết thì không thể thiếu rượu bia. Lượng cồn được nạp vào cơ thể quá mức cho phép khiến gan không kịp thải độc, các chất độc được tích tụ sẽ làm tổn thương gan, dẫn đến viêm gan cấp.

Để phòng tránh, những người có tiền sử gan nhiễm mỡ, viêm gan B, béo phì, tiểu đường, tim mạch nên có chế độ sống cân bằng, hạn chế xáo trộn thói quen sinh hoạt trong ngày Tết. Ngoài ra, không nên uống hơn 2 cốc rượu nhỏ một ngày. Rượu có thể gây tổn thương gan dù uống ít nếu dùng chung với các thuốc chứa acetaminophen như Decolgen, Efferalgan, Alaxan, Panadol...

2. Ngộ độc thức ăn

Thói quen tích trữ đồ ăn trong ngày Tết và việc ăn uống quá độ, ăn uống thực phẩm không rõ nguồn gốc là nguyên nhân khiến số ca ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết tăng cao. Khi có triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng quằn quại, buồn nôn, nôn, tiêu chảy thì người bệnh cần nôn hết số thực phẩm đã nạp trước đó ra ngoài.

Đồng thời, cần bổ sung orezol để bù lại lượng nước đã mất. Tuyệt đối không được dùng thuốc cầm tiêu chảy để cơ thể thải ra các chất độc đã xâm nhập. Ngoài ra, bệnh nhân bị tiêu chảy không nên uống nước ép trái cây đậm đặc vì sẽ làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn do tăng áp lực thẩm thấu trong ruột.

Nếu thấy tình trạng diễn tiến nặng hơn, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.

3. Viêm dạ dày cấp

Uống nhiều rượu bia trong ngày Tết cùng với việc sử dụng các chất kích thích như cà phê, ớt..., thói quen sinh hoạt ăn uống thất thường là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm dạ dày cấp.

Biểu hiện của viêm dạ dày cấp là đau bụng cồn cào, nóng rát vùng thượng vị, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể nôn hoặc buồn nôn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể nôn ra máu, đại tiện phân đen. Nếu bệnh nhân có những biểu hiện nặng như thế này thì cần đưa đi việc cấp cứu ngay.

4. Táo bón

Ăn ngủ không đúng giờ giấc, ít vận động, ăn ít chất xơ, lạm dụng các loại nước giải khát có ga, caffein càng làm cho cơ thể mất nước trầm trọng hơn, dẫn đến táo bón. Để tránh táo bón trong ngày Tết nên uống nhiều nước, nhất là vào buổi sáng sớm để kích thích nhu động ruột, ăn tăng rau xanh, củ quả, trái cây, ngũ cốc nguyên cám.

5. Cảm lạnh và bệnh đường hô hấp

Cảm lạnh, viêm họng, cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang là những căn bệnh thường gặp trong ngày Tết. Để phòng những bệnh này, cần mặc đủ ấm, mang khẩu trang khi ra đường, ăn uống đủ chất để tăng cường sức khỏe, không dùng chung khăn mặt và bàn chải, che miệng khi ho, hắt hơi.

Nếu bị cảm lạnh, người bệnh nên dùng trà gừng nướng chín, hãm nước sôi, cho thêm mật ong, bổ sung thêm vitamin C, ăn cháo gà gừng nóng để nâng cao sức khỏe. Nếu bị sốt không nên uống nước ép trái cây ngọt vì sẽ làm tăng đường huyết, khiến các tế bào bạch cầu diệt vi khuẩn chậm hơn.

6. Tiểu đường

Thực phẩm ngày Tết phần lớn ảnh hưởng đến đường máu, lipid máu. Người mắc bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc tiểu đường nên kiểm tra sức khỏe trước Tết để được điều chỉnh đường máu, huyết áp, mỡ máu về giới hạn tối ưu. Trong Tết, bệnh nhân phải dùng thuốc đúng và đủ liều, sau Tết nên đi khám lại sớm nhất có thể.

Ngoài ra, người mắc bệnh đái tháo đường cần hạn chế việc ăn bánh chưng, bánh tét, không nên ăn hoa quả sấy, trái cây ngọt, uống rượu bia, nước ngọt, cà phê mà thay thế bằng trái cây nhiều nước như bưởi, thanh long, mận, rau.

7. Bệnh gút

Chế độ ăn uống không hợp lý, nhiều rượu bia, ăn nhiều đạm như các loại thịt đỏ, phủ tạng động vật, hải sản là nguyên nhân gây khởi phát cơn gút cấp trong ngày Tết.

Ngoài chế độ ăn uống, thì chế độ sinh hoạt cũng là nguyên nhân dẫn tới cơn gút cấp. Những người mắc bệnh gút nên khám trước và sau Tết để dự phòng thuốc, phòng xảy ra cơn gút cấp.

Nhưng người mắc bệnh gút nên ăn hoa quả, rau, gạo để làm chậm quá trình hấp thu đạm, tuyệt đối không uống rượu bia và duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thể lực như ngày thường.

8. Đột quỵ

Trong không khí vui vẻ thoải mái của ngày xuân, bệnh nhân cao huyết áp thường bỏ qua các nguyên tắc giữ gìn sức khỏe, dẫn đến số người đột quỵ tăng đột biến trong dịp Tết.

Để phòng ngừa, người bệnh cần giữ thói quen sinh hoạt như thường ngày, ngủ đủ và nghỉ ngơi ngay khi có các dấu hiệu đau đầu, chóng mặt và dự trữ đủ lượng thuốc trong dịp Tết để có thể phòng ngừa và xử lý kịp thời.

Khi thấy có các biểu hiện đau ngực trái, khó thở, mệt mỏi, tê cứng cánh tay, chân, mặt hay một bên cơ thể, hoa mắt, đứng không vững, khó nghe, khó nói cần uống thuốc trợ tim, dừng ngay mọi công việc đang làm và gọi cấp cứu ngay.

PV Tổng hợp

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/