Những người bác sĩ thay bàn tay tạo hóa

13:23 | 27/02/2017
TTTĐ.VN- Đầu xuân năm nay, em bé Lý Chương Bình –bệnh nhân của ca ghép phổi của Bệnh viện 103 đã được các bác sĩ chắp cánh cho một khởi đầu mới, thoát khỏi những tháng ngày ốm đau bệnh tật. Tạo hóa đã không cho em một lá phổi khỏe mạnh như bạn bè đồng trang lứa nhưng các bác sĩ đã làm thay phần việc dang dở của tạo hóa. Thành công của ca ghép phổi này cũng tiếp thêm hy vọng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý về phổi cần được ghép để kéo dài sự sống.

Những người bác sĩ thay bàn tay tạo hóa

Trước đó, ngày 21/2, bệnh nhân Lý Chương Bình (7 tuổi, Hà Giang) bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp đã được ghép cả 2 lá phổi từ người hiến là bố và bác ruột. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống. Ca ghép diễn ra trong 10 tiếng đồng hồ ngày 21/2, do các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cháu đang phục hồi tốt.

Nghe đến ghép nội tạng, con lại mới 7 tuổi ốm yếu, vợ chồng anh Lý Cù Giang (bố ruột cháu Lý Chương Bình) càng thêm hoang mang, không biết liệu rằng ca phẫu thuật có thành công, rồi sẽ lấy phổi của ai để cấy ghép. Bao câu hỏi, lo sợ cứ bủa vây đôi vợ chồng trẻ. Rất may, anh Ly Cù Toàn (30 tuổi) là bác ruột bé Bình đã tự nguyện hiến để cứu sống cháu. Thế nhưng, không chỉ gia đình cháu lo lắng mà các bác sĩ – ekip thực hiện ca ghép tạng cho cháu Bình cũng rất trăn trở.

Những người bác sĩ thay bàn tay tạo hóa

TS Hoàng Văn Chương, Bộ Môn Khoa Gây mê, BV Quân y 103, Học viện Quân y, người trực tiếp có mặt trong kíp mổ của cháu Bình cho biết, ca ghép phổi của cháu Bình là "trận đánh" thứ 5 của các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103. Năm 1992, lần đầu tiên ghép thận, tới năm 2004 là ghép gan, năm 2010 ghép tim, năm 2014 ghép tụy thận và tới nay lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi.


"Chúng tôi đã trải qua nhiều ca ghép nhưng cuộc ghép phổi này khá đặc biệt. Đặc biệt bởi ca này có tới 2 người cho trong khi các ca khác chỉ cần 1 người" - bác sĩ Chương nói. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ca ghép phổi từ người cho còn sống. Việc cháu còn nhỏ lại mắc bệnh từ khi sơ sinh, ngoài viêm phổi, Bình đang có dấu hiệu suy tim nhẹ. Nếu không tiến hành cấy ghép nội tạng, cháu khó có cơ hội sống sót nhưng rủi ro của ca ghép tạng với bệnh nhân nhỏ tuổi cũng là đòn “cân não” với đội ngũ y bác sĩ.

GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, ghép phổi là một trong những cuộc ghép rất khó, không giống các tạng khác. Một trong những điều quan trọng với thành công của ca phép là chọn phổi khỏe để ghép. Rất may trong ca ghép này, tỷ lệ hòa hợp rất cao. Các bác sĩ đã cắt lấy thùy phổi dưới của người tặng để thay thế cả 2 lá phổi cho trẻ.

Ca mổ kéo dài đến 10 tiếng nhưng không y bác sĩ nào thấy mệt mỏi. Nỗ lực cứu sống em nhỏ đã khiến họ vượt qua rất nhiều khó khăn cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn cơ sở vật chất. Ngay sau khi bước ra khỏi phòng phẫu thuật, chứng kiến sự thành công của mình, cả ekip cùng các cộng sự người Nhật Bản đã vỡ òa hạnh phúc, ôm chặt lấy nhau. Đây chính là món quà tặng vô giá đánh dấu những thành công của kỹ thuật ghép nội tạng tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y trong những ngày cận kề Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Đánh giá về thành công của ca ghép nội tạng lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ghép phổi là một kỹ thuật khó trong ngành ghép tạng. Thành công của ca ghép phổi cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể thầy thuốc Học viện Quân y, Bệnh viện 103. Nhờ đó đã giúp Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/