Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

10:30 | 17/12/2016
Chiều 16/12, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” đã bế mạc sau 2 ngày làm việc khẩn trương, tích cực và hiệu quả của các nhà khoa học, học giả nghiên cứu Việt Nam học trên toàn thế giới.

Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5

Bế mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 5


Hội thảo đã nhận được tóm tắt báo cáo của hơn 1.200 nhà khoa học, trong đó có 150 nhà khoa học nước ngoài đến từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. 834 bản báo cáo tóm tắt và gần 500 báo cáo toàn văn đã được lựa chọn trình bày tại Hội thảo, trong đó có 30 báo cáo do Ban tổ chức mời từ các nhà khoa học có uy tín về ngoại giao, văn hóa, kinh tế, giáo dục, đổi mới sáng tạo và biến đổi khí hậu.


Theo đánh giá của các nhà khoa học, Hội thảo đã thực sự là nhịp cầu kết nối các nhà Việt Nam học và nghiên cứu Việt Nam trên toàn cầu, không những thúc đẩy kết nối mạng lưới các nhà nghiên cứu Việt Nam mà đã bắt đầu hình thành các nhóm nghiên cứu phối hợp quốc tế. Đồng thời, Hội thảo lần này là một dấu mốc gắn kết, phát triển, đưa sự quan tâm của Việt Nam học truyền thống đến với những lĩnh vực rộng hơn, liên ngành hơn, gắn với các vần đề đương đại của Việt Nam.

Các chuyên gia về biến đổi khí hậu Việt Nam và quốc tế đã khá thống nhất khi nhận định Việt Nam là một trong ít quốc gia chịu tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Vì vậy, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu gắn liền với phát triển bền vững được xem là lựa chọn thích hợp nhất cho Việt Nam. Để giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo cần đấy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo, khai thác tài nguyên năng lượng gió, năng lượng mặt trời và khí sinh học…

Tại phiên bế mạc, các đại biểu đã nghe Báo cáo “Những hàm ý chính sách cho việc bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do TS. Alistair Nolan – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trình bày và báo cáo “Công nghiệp hóa Việt Nam trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới” GS. Trần Văn Thọ, Trường ĐH Waseda, Nhật Bản trình bày. Trong phần trình bày của mình, các học giả đều nhấn mạnh ấn tượng tốt đẹp với Hội thảo lần này và cho rằng các nội dung có ý nghĩa thực tiễn, có tính liên ngành và đề cập được những vấn đề nóng đang đặt ra với nhiều thách thức cho Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Hội thảo thực sự trở thành cầu nối học thuật các nhà Việt Nam học trong và ngoài nước.


Mai Khôi

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/