Làn sóng khởi nghiệp từ công nghệ thông tin

21:40 | 08/06/2016
“Việt Nam sẽ đón một làn sóng khởi nghiệp mới từ công nghệ thông tin. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Google thông báo rằng, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có hơn một nửa dân số sử dụng internet. Hiện tại, Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang có sự vượt trội so với nhiều nước khác”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT nhận định.

Làn sóng khởi nghiệp từ công nghệ thông tin

“Việt Nam sẽ đón một làn sóng khởi nghiệp mới từ công nghệ thông tin. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Google thông báo rằng, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có hơn một nửa dân số sử dụng internet. Hiện tại, Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang có sự vượt trội so với nhiều nước khác”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT nhận định.

Họ làm được, chúng ta cũng làm được

Hiện nay, số lượng các bạn trẻ khởi nghiệp từ công nghệ thông tin đang chiếm tỉ trọng lớn, do đáp ứng nhu cầu của xã hội dựa trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, không quá khó để tìm kiếm cơ hội cho một bạn trẻ thử sức khởi nghiệp trong ngành này.

Công nghệ thông tin không phải mới bắt đầu ở Việt Nam mà đã là dòng chảy hơn 10 năm, với những thương hiệu đầu tiên khởi nghiệp trong lĩnh vực này như FPT, Vina Game, Vcorp, Vật giá, Tiki, Vietnamwork,… Đến nay, các sản phẩm thương mại điện tử, trang giáo dục, việc làm, ăn uống, mua sắm, thiết bị công nghệ… đã dần quen thuộc với người tiêu dùng.

Làn sóng khởi nghiệp từ công nghệ thông tin

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Cty CP FPT

Thực tế, đã có một số dự án khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp đi vào thực tiễn và có hiệu quả ban đầu như: Dự án Công ty Cổ phần Vé Xe Rẻ (vexere.com) – hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến, hoạt động thông qua các công ty vận tải chính thức ra đời vào tháng 7 năm 2013. Đây là dự án đạt giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia năm 2013, giải Nhì cuộc thi Mekong Challenge 2014 sau một thời gian ngắn triển khai đã nhận được vốn đầu tư từ Quỹ CyberAgent Ventures, Pix Vine Capital.

Hoặc như dự án Net Loading của nhóm sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân đạt giải Nhì của cuộc thi Khởi nghiệp 2015. Sau gần 5 tháng nhận giải, đến nay dự án này đã triển khai và đang nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ tại diễn đàn “Khởi nghiệp cùng công nghệ thông tin” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Trương Gia Bình cho rằng: “Trước kia, ai nhiều của cải, nhiều đất, nhiều nhà máy, nhiều tiền thì được cho là giàu, thế nhưng bây giờ người giàu là người có nhiều thông tin. Hiện có 1,5 tỷ người dùng liên lạc thường xuyên qua facebook. Một thế giới mới đang được hình thành, mọi ngân sách sẽ trở thành ngân sách số. Mọi nhà lãnh đạo sẽ trở thành lãnh đạo số. Lý Hiển Long ngoài lãnh đạo đất nước Singapore, thì ông còn là người đi đầu trong lĩnh vực số”.

Ông Bình cũng cho rằng, 16 năm trước, chúng ta xuất khẩu phần mềm cho thế giới và đã thua, đã thất bại, nhưng Trung Quốc làm được, Ấn Độ làm được thì chúng ta cũng làm được. Hiện tại, chúng ta có nửa triệu người làm việc trong lĩnh vực này. Chúng ta đang có lực lượng mạnh mẽ và chỉ cần hợp sức lại mà thôi. “Chẳng phải ngẫu nhiên mà Google thông báo rằng Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có hơn một nửa dân số sử dụng internet. Hiện tại Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang có sự vượt trội so với đất nước khác”, ông Bình nhấn mạnh.

Chấp nhận khó khăn

Ông Lữ Thành Long – Chủ tịch HĐQT Công ty CP MISA, Phó Chủ tịch Vinasa cho rằng, các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải chấp nhận trải qua nhiều khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp. Theo ông Long, để khởi nghiệp cần chuẩn bị 5 việc gồm lập kế hoạch kinh doanh, được cố vấn phản biện về ý tưởng, biết cách thuyết phục và tìm nhà đầu tư để gọi vốn, biết thủ tục pháp lý để thành lập doanh nghiệp, biết cách tổ chức doanh nghiệp để hoạt động.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, các bạn phải đặt ra câu hỏi: Sản phẩm làm cho ai sử dụng? Số lượng bao nhiêu? Người sử dụng thu được lợi ích gì? Trong nước và trên thế giới có những ai làm chưa? Sản phẩm của mình hơn sản phẩm của các đối thủ khác ở điểm gì? Bên cạnh đó, các bạn cũng cần phản biện về thị trường, phản biện về công nghệ và cần biết ý tưởng của mình có khả thi không, đồng thời hiểu biết về quy trình đầu tư của các quỹ, biết cách trình bày để thuyết phục các nhà đầu tư…

Chia sẻ về cách gọi vốn đầu tư, ông Long cho rằng, cần một cái chợ và đầu mối để tiếp xúc với các nhà đầu tư. Ví như, Hiệp hội Vinasa có thể trở thành đầu mối để thu hút các quỹ đầu tư và là trung gian để giới thiệu các quỹ đầu tư với các startup, các vườn ươm công nghệ trong các khu công viên phần mềm. Nhà nước hỗ trợ tiền cho Hiệp hội Vinasa xúc tiến đưa các đoàn startup sang gặp các quỹ đầu tư lớn tại Mỹ và các nước. Thứ hai, cần thủ tục tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài đơn giản và nhanh chóng. Bộ Kế hoạch đầu tư cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư của các quỹ vào startup. Thứ ba, Nhà nước cần có nhiều ưu đãi cho các quỹ đầu tư vào lĩnh vực CNTT, đơn giản hóa thủ tục để các quỹ đầu tư có thể thành lập tại Việt Nam một cách dễ dàng.

Theo ông Long, để hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp, các bạn sinh viên cần được hỗ trợ mặt bằng làm việc, trang thiết bị hiện đại, hành lang pháp lý cần thiết để người khởi nghiệp không rơi vào vòng lao lý. “Các bạn khởi nghiệp rất cần người đầu tư bảo trợ và giúp đỡ để làm sản phẩm, đồng thời được đào tạo về quản trị doanh nghiệp căn bản và các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ. Nhà nước nên thành lập các vườn ươm công nghệ và cho phép có 5 nhân sự trở xuống được sử dụng miễn phí sàn làm việc và thuê thiết bị văn phòng với giá vốn trong vòng 3 năm. Sau 3 năm nếu doanh nghiệp có số lượng nhân sự tăng nhưng không quá 20 người thì vẫn được tiếp tục chính sách, không phát triển hoặc phát triển quá quy mô như trên thì bắt buộc phải chuyển ra ngoài. Bên cạnh đó, vườn ươm công nghệ cũng nên cho phép các startup trong khu được sử dụng miễn phí các máy móc đắt tiền để thử nghiệm hoặc thí nghiệm công nghệ, thuê các hệ thống máy chủ với mức giá vốn”.

Diệu Linh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/