Đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn

14:04 | 26/06/2017
TTTĐ.VN- Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Lễ bàn giao bác sĩ trẻ chuyên khoa I tình nguyện về công tác vùng khó khăn.

Đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn

Tham dự buổi lễ có đồng chí Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, Giám đốc Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”; đại diện một số bệnh viện; 7 bác sĩ trẻ tham gia chuyến công tác đợt này cùng đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí.

Đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn

Ngày 20/02/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-BYT phê duyệt Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” với mục tiêu: tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế là bác sĩ đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho các vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cơ sở.

Hoạt động đào tạo Bác sĩ trẻ tình nguyện theo Đề án 585 là một trong các hoạt động nhận được sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trong khuôn khổ dự án, giai đoạn 2016-2020 sẽ có 300 bác sĩ trẻ tình nguyện được Dự án cấp kinh phí đào tạo theo yêu cầu của địa phương. Các bác sĩ sau khi đào tạo sẽ quay lại hỗ trợ công tác khám chữa bệnh cho các vùng khó khăn góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Ông Phạm Văn Tác –Vụ trưởng Vụ Tổ chức –Cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, việc đưa các bác sĩ trẻ về vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo là một chủ trương rất nhân văn. Bởi người dân ở đây đang chịu nhiều thiệt thòi, khi mức thụ hưởng các dịch vụ y mức thấp hơn mức trung bình của cả nước rất nhiều, do hệ thống y tế công lập thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhất là cán bộ y tế. Do giao thông đi lại khó khăn nên khi bị bệnh, nhiều người không kịp đến cơ sở y tế đã bị tử vong. Dự án 585 là việc làm thiết thực để giảm bớt khoảng cách thụ hưởng dịch vụ y tế giữa các huyện nghèo với thành thị.

Hiện các vùng nghèo đang “khát” bác sĩ, như huyện Simacai (Lào Cai) chỉ có 5-6 bác sĩ. 62 huyện nghèo trong cả nước cần khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Nội 53, Ngoại 49, Sản 55, Nhi 44, Hồi sức cấp cứu 47, Truyền nhiễm 35, Chẩn đoán hình ảnh 33...

Nhưng để đào tạo được một bác sĩ về với huyện nghèo là một việc đòi hỏi thời gian và tâm sức. Các bác sĩ trẻ phải tốt nghiệp loại khá giỏi và tình nguyện về vùng nghèo công tác; phải được một đơn vị y tế tuyển dụng để đào tạo bài bản với tiêu chí khi xong khóa đào tạo phải độc lập xử trí các tình huống y khoa tại BV huyện. Vì thế, 4 năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội xây dựng chương trình 10 chuyên ngành mà các huyện nghèo đang có nhu cầu, trong đó, chú trọng năng lực thực hành, chỉ tiêu tay nghề, đảm bảo các bác sĩ trẻ tình nguyện có thể làm việc độc lập tại các huyện nghèo.

Dự kiến ngày 28/6/2017 Bộ Y tế sẽ tổ chức Lễ Bàn giao 7 bác sĩ trẻ khóa I về các huyện nghèo công tác tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Các huyện nghèo đều hào hứng với việc đưa bác sĩ về địa phương vì sẽ giảm được tỉ lệ bệnh tật, tử vong, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/