30 năm ấy…

05:12 | 08/04/2016
Thấm thoắt đã 30 mùa xuân đi qua kể từ ngày báo Tuổi trẻ Thủ đô chính thức ra mắt bạn đọc vào tháng 3/1985. Ngồi ôn lại những chuyện cũ, chúng tôi, những người từng có một thời gắn bó với báo Tuổi trẻ Thủ đô, không khỏi bồi hồi xúc động…

30 năm ấy…

Thấm thoắt đã 30 mùa xuân đi qua kể từ ngày báo Tuổi trẻ Thủ đô chính thức ra mắt bạn đọc vào tháng 3/1985. Ngồi ôn lại những chuyện cũ, chúng tôi, những người từng có một thời gắn bó với báo Tuổi trẻ Thủ đô, không khỏi bồi hồi xúc động…

Một lần, tôi xuống xã Đường Lâm đúng dịp Hợp tác xã vừa dỡ xong vụ lạc. Dạo ấy vừa nắng nóng, vừa khô hạn, Đội thanh niên xung kích chống hạn của xã có 12 bạn chia ca túc trực trạm bơm chính của xã ở cánh đồng Vang. Cánh Đồng Vang có người còn gọi là cánh đồng Ma vì nhiều mồ mả và xa làng. Tôi hỏi một bạn nữ thanh niên “Trực đêm, em có sợ ma không?”. “Lúc đầu thì sợ sau vài đêm có đông các bạn lại thấy vui”, em nhanh nhảu trả lời. Tôi rất cảm phục các đoàn viên thanh niên đã xung kích nhận những việc khó, góp phần nâng cao năng suất lao động.

30 năm ấy…

Bây giờ, nhớ lại cái thời gian khổ và đói kém ấy, nhiều lúc tôi cứ tự hỏi “Tại sao thanh niên ngày ấy lại có thể vươn lên mạnh mẽ đến vậy?”. Có lẽ là nhờ tình người keo sơn và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của hầu hết thanh niên thuở ấy và bên cạnh đó là những tấm gương mẫu mực, chấp nhận hi sinh, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Một lần khác, tôi được văn phòng cơ quan thông báo ngày mai đi công tác với Cơ quan Thành ủy do anh Nguyễn Công Tạn, Phó Bí thư Thành ủy phụ trách công tác nông nghiệp dẫn đầu. Nội dung là tuyên truyền chủ trương về mở rộng diện tích ngô của và kỹ thuật trồng ngô trên đất gò đồi ở xã Tích Giang và trồng ngô trên đất ướt, ruộng trũng ở huyện Đan Phượng. Vụ trước, một số xã ngoại thành dám nghĩ dám làm đã thắng lợi một vụ ngô chống được đói. Tuy nhiên, cũng có xã ngô bị chết hết do úng nước và do bà con làm bầu ngô bằng túi nilon kín. Khi cây trưởng thành bầu kín không đủ dinh dưỡng và không đủ nước nên cây chết khô.

Vào thời đó, một vụ ngô thắng lợi có ý nghĩa rất lớn với bà con nông dân và lãnh đạo thành phố. Anh Nguyễn Công Tạn vốn là cán bộ Trung ương Đoàn lại là nhà khoa học có phong cách quần chúng rất dễ gần. Chiều hôm đó tôi sang Thành ủy gặp anh xin ý kiến đợt tuyên truyền về chiến dịch trồng ngô. Anh hồ hởi: “Các cậu tuyên truyền mạnh để bà con tin tưởng chắc thắng, mở rộng diện tích ngô. Thành ủy quán triệt xuống các xã huyện là du khó mấy cũng phải làm bằng được. Truyền thống xưa nay, chúng ta chỉ trồng ngô chính vụ và chỉ trồng được ở đất bãi. Vụ vừa rồi, có xã thắng đậm khi trồng ngô trên đồi gò, hay trồng ở chân ruộng trũng. Tôi chỉ đạo sở nông nghiệp ươm ngô ở sân như làm mạ, nếu thời tiết không thuận lợi khi ruộng ráo nước đưa bầu ngô vào luống là thắng. Phải lưu ý là bà con là khi trồng hom giống xuống ruộng phải làm thủng đáy bọc chứa hom giống để bộ rễ của cây ngô tiếp đất. Khi ngô lên đủ lá nó rất cần nước do bay hơi qua lá. Vì vậy đặc biệt chú ý giai đoạn nó chuẩn bị thụ phấn, khối tích nó tăng rất nhanh như bà bầu. Tất cả các xã thất bại vụ trước chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân là do chỉ đạo qua loa, không đi sâu đi sát kiểm tra đôn đốc thực hành kỹ thuật. Bài báo mà nói trúng thì hiệu quả hơn nhiều ông khuyến nông hướng dẫn qua loa”…

Hôm sau, theo xe của Thành ủy chúng tôi về xã Tích Giang xem các thửa ngô đã ngút xanh trên đất đồi gò do gieo đúng thời vụ. Đoàn công tác quay về huyện Đan Phượng đền gần Trạm Trôi, bên tay phải là cánh đồng xã Tân Lập. Tuần trước, có trận mưa trái mùa nên mấy chục héc ta ngập trắng băng. Anh Tạn bảo dừng xe, xuống đầu bờ gọi to hỏi mấy bác nông dân bao giờ hết nước để có thể trồng được ngô. Họ bảo phải hai tuần nữa. Anh xuống xe, bỏ giày, lội theo con đường mờ mờ còn ngập nước đục tới trao đổi với mấy bác nông dân. Lúc về Huyện ủy Đan Phượng họp, anh lưu ý huyện kiểm tra ngay việc tiêu thoát nước và gieo ngô mầm ở các sân kho hợp tác xã ngay cho kịp thời vụ. Xã nào không hoàn thành phải chịu kỷ luật. Dự cuộc họp tôi tranh thủ viết bài về đến nội thành gửi anh kiểm tra nội dung chuyên môn. Hôm sau tôi nhận được bản thảo có chỉnh sửa của anh Nguyễn Công Tạn và sau đó, bài báo đã đến tay các cán bộ đoàn viên và bà con nông dân ở ngoại thành. Vụ ấy, các huyện ngoại thành được mùa ngô. Xuống các xã, bà con nông dân rất phấn khởi. Tôi rất vui vì bài báo có ích cho cuộc sống.

Có ngô, ngoại thành Hà Nội phát triển đàn lợn và đàn bò sữa. Sáu xã vùng lũ huyện Phúc Thọ trở thành vùng trọng điểm ngô của thành phố. Nơi đây đặt cơ sở nghiên cứu lớn của Viện ngô Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một chuyến đi công tác xuống vùng ngô Phúc Thọ tôi gặp một cụ già nhà râu tóc bạc phơ ở trụ sở xã Phụng Thượng. Ông cụ cứ tấm tắc mãi: “Ông Tạn tài thật”. Sau Đại Hội Đảng toàn quốc lần VI năm 1986 anh Nguyễn Công Tạn chuyển lên làm Bộ trưởng Nông nghiệp rồi mấy năm sau nhận nhiệm vụ phó Thủ tướng phụ trách công tác nông nghiệp và nông thôn. Anh đã chỉ đạo thâm canh ngô trên các loại đồng đất khác nhau trong cả nước và thâm canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tạo ra một bước đột phá lớn trong khoán 10 nông nghiệp nước ta: Từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực.

Khi hết tuổi công tác Đoàn tôi không làm báo nữa, đi sâu nghiên cứu năng lượng tái tạo phát triển bền vững và di sản khoa học và công nghệ cổ Việt Nam trong một đơn vị do Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu sáng lập. Năm 2013, tôi cùng các đồng nghiệp hoàn thành bộ “Tổng tập khoa học và công nghệ cổ Việt Nam” viết liên tục 12 tập từ năm 1983. Những đêm ở ngoại thành trò chuyện với các lão nông và già làng thấy ở nông thôn ngoại thành có cả một kho tàng di sản văn hóa văn nghệ và khoa học công nghệ cổ đồ sộ cùng các nhân chứng sống, nếu không kịp nghiên cứu sẽ bị thất truyền khi làn sóng đô thị hóa ập tới. Tôi lấy đó làm niềm vui sống và công việc của đời mình. Tôi thầm cảm ơn những tháng ngày hữu ích công tác ở báo Tuổi trẻ Thủ đô đã cho tôi niềm vui sáng tạo, học hỏi và trải nghiệm, được tiếp xúc với rất nhiều người, đại diện tinh hoa của đất nước .

Năm 2008 chủ trì thiết kế chế tạo “Công trình năng lượng tái tạo 3 trong 1” cho biên giới và hải đảo (tích hợp năng lượng điện sức gió, điện Mặt trời và thủy điện nhỏ) cho các đồn biên phòng vùng sâu ở huyện Bát Xát, Lào Cai dọc tuyến biên giới phía Bắc. Khi thử nghiệm sản phẩm Demo ở đường Trường Chinh tôi thật bất ngờ được anh Tạn đến thăm và động viên. Lúc ấy, tôi mới biết anh đã nghỉ hưu và làm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam. Văn phòng anh cách xưởng của tôi chỉ hơn trăm mét. Vẫn ánh mắt tươi vui và nụ cười đôn hậu, anh nhắc nhở: “Nếu các bạn yêu nông nghiệp nông thôn thì rất nhiều việc làm vừa ích nước, lại lợi nhà”. Mỗi lần tôi về quê Sơn Tây đi dọc quốc lộ 32 hầu như mùa nào cũng thấy người nông dân bán ngô hàng hóa ven lộ, bỗng nhớ đến anh Nguyễn Công Tạn. Anh đã thay đổi tập quán canh tác, góp phần đổi thay đất nước và biết bao phận người.

Thường xuyên theo dõi báo Tuổi trẻ thủ đô tôi biết hiện nay, báo tuyên truyền rất tốt cho “Chương trình xây dựng nông thôn mới do Thành ủy chỉ đạo” để Thủ đô phát triển bền vững. Đất nước ta có tài sản thiên nhiên vô giá là con người và tài nguyên đa dạng sinh học. Rất nhiều cây con trong thiên nhiên được người nông dân thuần hóa, nhân nuôi thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao và sáng tạo ra hàng trăm món ẩm thực kỳ thú làm mê lòng du khách, giúp Thủ đô Hà Nội thành TOP10 điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới do các hãng truyền thông chuyên ngành du lịch quốc tế bình chọn. Nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo. Tôi mong rằng, báo sẽ góp phần giúp người nông dân, nhất là những nong dân trẻ làm giàu ngay trên chính quê hương mình…

Lê Minh Hồng

(phóng viên từng có nhiều năm công tác tại báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.vn/